Lưu trữ của tác giả: zou-wp

Chế độ hủy tư cách lưu trú (Điều 22-4 Luật Quản lý Xuất nhập cảnh)

2025.06.11

Khái quát chung

 Hủy bỏ tư cách lưu trú là một chế độ cho phép hủy bỏ tư cách lưu trú của người nước ngoài đang cư trú tại Nhật Bản trong các trường hợp như: người nước ngoài đã sử dụng hồ sơ giả hoặc các cách thức bất hợp pháp khác để lấy tư cách lưu trú, hoặc người nước ngoài không thực hiện các hoạt động theo quy định của tư cách lưu trú hiện có trong một khoảng thời gian nhất định,…
 

Các nguyên nhân chính dẫn tới việc bị hủy Tư cách lưu trú có thể được chia thành 3 nhóm chính sau:

➊ Gian lận hồ sơ để có được tư cách lưu trú hoặc giấy phép nhập cảnh
 Người nước ngoài nộp tài liệu giả mạo hoặc khai báo sai sự thật,… để xin được tư cách lưu trú hoặc giấy phép nhập cảnh.

❷ Không thực hiện hoặc vi phạm hoạt động theo tư cách lưu trú
 Các trường hợp không thực hiện các hoạt động phù hợp với tư cách lưu trú đã được cấp phép trong một khoảng thời gian nhất định mà không có lý do chính đáng (ví dụ: hơn 3 tháng đối với tư cách lưu trú diện lao động, hoặc hơn 6 tháng đối với tư cách lưu trú diện thân nhân như vợ/chồng người Nhật, vĩnh trú,…).

❸ Vi phạm nghĩa vụ khai báo địa chỉ cư trú
 Các trường hợp người nước ngoài có tư cách lưu trú trung và dài hạn không khai báo địa chỉ cư trú trong hơn 90 ngày, hoặc khai báo địa chỉ giả mạo.


 

 Cụ thể, việc hủy bỏ tư cách lưu trú được quy định tại Điều 22-4 Khoản 1 của Luật Nhập cư. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể hủy bỏ tư cách lưu trú hiện có của người nước ngoài nếu phát hiện người nước ngoài đó có vi phạm một trong các trường hợp dưới đây:

(1)Sử dụng các loại hồ sơ giả hoặc các cách thức bất hợp pháp khác trong quá trình giấy phép nhập cảnh hoặc các giấy tờ tương tự , khiến cho cán bộ xét duyệt nhập cảnh đưa ra phán đoán không chính xác.

(2)Người nước ngoài cố ý khai gian hoặc sử dụng các phương pháp gian dối khác để che giấu mục đích hoạt động tại Nhật Bản, từ đó được cho phép nhập cảnh (ví dụ: người có ý định làm công việc lao động phổ thông nhưng lại khai rằng sẽ thực hiện công việc thuộc diện tư cách lưu trú “Kỹ thuật”), hoặc khai gian về các thông tin khác không liên quan đến hoạt động thực tế tại Nhật Bản để được cấp phép nhập cảnh (ví dụ:khai gian lý lịch bản thân) (Ngoài các trường hợp 1 kể trên)

(3)Người nước ngoài nộp giấy tờ giả mạo để nhận được giấy phép nhập cảnh hoặc các giấy tờ tương tự. Ở mục này, việc sử dụng các thủ đoạn gian dối hoặc bất hợp pháp không phải là điều kiện bắt buộc và người xin visa không phải cố tình sử dụng giấy tờ giả. (Ngoài các trường hợp 1, 2 kể trên).

(4)Người nước ngoài nhận được giấy phép lưu trú đặc biệt (在留特別許可) bằng cách gian dối hoặc các phương tiện bất hợp pháp khác.

(5) Người nước ngoài có tư cách lưu trú được liệt kê ở cột trên của Biểu 1 Luật Nhập cư (ghi chú bên dưới) không thực hiện các hoạt động đúng với tư cách lưu trú đó, đồng thời đang hoặc dự định thực hiện các hoạt động khác trong thời gian lưu trú (trừ trường hợp có lý do chính đáng).

(6)Người nước ngoài có tư cách lưu trú được liệt kê ở cột trên của Biểu 1 Luật Nhập cư (ghi chú) không thực hiện các hoạt động liên quan đến tư cách lưu trú đó liên tục  trên 3 tháng (trừ trường hợp có lý do chính đáng).

(7) Người nước ngoài có tư cách lưu trú「日本人の配偶者等」( Vợ/chồng của người Nhật) hoặc người có tư cách lưu trú 「永住者の配偶者等」(Vợ/chồng của vĩnh trú) không còn thực hiện các hoạt động với tư cách là vợ/chồng  trên 6 tháng (trừ trường hợp có lý do chính đáng).
(Có thể hiểu đơn giản là ly hôn/tử biệt/ly thân với người Nhật/người có visa vĩnh trú trên 6 tháng)
※Quy định này không áp dụng cho: con ruột và con nuôi đặc biệt của người Nhật, con của người có visa vĩnh trú

(8) Người nước ngoài có tư cách lưu trú trung và dài hạn sau khi nhập cảnh/đổi visa, v.v., không thông báo địa chỉ cư trú cho Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được giấy phép nhập cảnh/đổi visa (trừ trường hợp có lý do chính đáng).

(9)Người nước ngoài có tư cách lưu trú trung và dài hạn không thông báo địa chỉ cư trú mới cho Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh trong vòng 90 ngày kể từ ngày rời khỏi địa chỉ cư trú đã đăng ký với Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (trừ trường hợp có lý do chính đáng).

(10) Người nước ngoài có tư cách lưu trú trung và dài hạn khai báo địa chỉ cư trú giả mạo với Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh.


 

  Khi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh muốn hủy bỏ tư cách lưu trú, cán bộ kiểm tra nhập cảnh sẽ tiến hành điều tra – nghe ý kiến từ người nước ngoài đó. (Do đó, không có chuyện “nghỉ việc quá 3 tháng là TỰ ĐỘNG bị Hủy tư cách lưu trú” đâu nhé!)

 Người nước ngoài đó có thể trình bày ý kiến, nộp bằng chứng hoặc yêu cầu xem tài liệu trong quá trình lấy ý kiến này.

 Trong trường hợp tư cách lưu trú bị hủy bỏ và nguyên nhân thuộc các mục (1) hoặc (2) nêu trên, người nước ngoài sẽ bị Trục xuất ngay lập tức. 
 Nếu thuộc các mục từ (3) đến (10) nêu trên, người đó sẽ được cấp một thời hạn tối đa 30 ngày để tự nguyện xuất cảnh. 
 Tuy nhiên, đối với trường hợp thuộc mục (5), nếu có đủ căn cứ để nghi ngờ người nước ngoài đó sẽ bỏ trốn, thì phía Cục có thể tiến hành Trục xuất ngay lập tức.
 Nếu không xuất cảnh trong thời gian quy định, ngoài việc bị trục xuất, người nước ngoài đó còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.


 

(Ghi chú) Các tư cách lưu trú ở cột trên của Biểu 1 Luật Nhập cư

        • 「外交」(Gaikou – Visa ngoại giao)
        • 「公用」(Kouyou – Visa công vụ)
        • 「教授」(Kyouju – Visa giáo sư)
        • 「芸術」(Geijutsu – Visa nghệ thuật)
        • 「宗教」(Shukyou – Visa hoạt động tôn giáo)
        • 「報道」(Hodou – Visa phóng viên)
        • 「高度専門職」(Koudo Senmonshoku – Visa lao động chuyên môn cao)
        • 「経営・管理」(Keiei Kanri – Visa kinh doanh/quản lý)
        • 「法律・会計業務」(Houritsu Kaikei Gyoumu – Visa hoạt động pháp luật/kế toán)
        • 「医療」(Iryou – Visa y tế)
        • 「研究」(Kenkyuu – Visa nghiên cứu)
        • 「教育」(Kyouiku – Visa giáo dục)
        • 「技術・人文知識・国際業務」(Gijutsu Jinbun Chishiki Kokusai Gyoumu – Visa kỹ thuật/tri thức nhân văn/nghiệp vụ quốc tế)
        • 「企業内転勤」(Kigyou-nai Tenkin – Visa chuyển công tác nội bộ doanh nghiệp)
        • 「介護」(Kaigo – Visa điều dưỡng/chăm sóc)
        • 「興行」(Kougyou – Visa biểu diễn/giải trí)
        • 「技能」(Ginō – Visa kỹ năng đặc định)
        • 「特定技能」(Tokutei Ginō – Visa kỹ năng đặc định (nói gọn hơn là Tokutei Gino))
        • 「技能実習」(Ginō Jisshū – Visa thực tập sinh kỹ năng)
        • 「文化活動」(Bunka Katsudou – Visa hoạt động văn hóa)
        • 「短期滞在」(Tanki Taizai – Visa lưu trú ngắn hạn)
        • 「留学」(Ryūgaku – Visa du học)
        • 「研修」(Kenshū – Visa đào tạo/nghiên cứu sinh)
        • 「家族滞在」(Kazoku Taizai – Visa phụ thuộc gia đình)
        • 「特定活動」(Tokutei Katsudou – Visa hoạt động đặc định)

Quy trình hủy bỏ tư cách lưu trú

※Trích dẫn từ trang web của Cục Quản lý xuất nhập cảnh

Sau khi chuyển việc thì tiền bảo hiểm xã hội sẽ tính thế nào?

2025.06.08

 Tháng sau em dự định chuyển việc. Khi đó thì phí bảo hiểm xã hội ở công ty mới có giống với công ty cũ không ạ?

 Khi bạn chuyển sang công ty mới, nếu công ty đó có tham gia bảo hiểm xã hội và bạn đáp ứng đủ các điều kiện tham gia, thì bạn sẽ tự động được tiếp tục tham gia  bảo hiểm xã hội (bao gồm bảo hiểm y tế (健康保険 – けんこうほけん) và bảo hiểm hưu trí(厚生年金 – こうせいねんきん)
 

 Mức đóng bảo hiểm sẽ được tính lại dựa trên mức lương mới của bạn và sẽ được khấu trừ tự động vào lương hàng tháng.

 Cụ thể, dựa vào mức lương ở công ty mới, công ty sẽ xác nhận “mức lương tiêu chuẩn để tính bảo hiểm hàng tháng” (標準報酬月額 – ひょうじゅんほうしゅうげつがく) , từ đó quy định ra mức phí đóng các loại bảo hiểm xã hội của bạn.

      1. Tỷ lệ đóng Bảo hiểm y tế (健康保険) (đối với người tham gia Hiệp hội Kenpo) sẽ khác nhau tùy theo từng tỉnh thành, nhưng thường là khoảng 10% của mức lương tiêu chuẩn. Phí bảo hiểm này sẽ được chia đôi, tức là bạn và công ty mỗi bên sẽ chịu một nửa.
      2. Đối với Bảo hiểm hưu trí (厚生年金), tỷ lệ đóng là 18.3%, trong đó bạn và công ty mỗi bên sẽ đóng 9.15%.
      3. Ngoài ra, nếu bạn ở độ tuổi từ 40 đến 64 tuổi, sẽ có thêm phí Bảo hiểm chăm sóc dài hạn (介護保険料) với tỷ lệ cố định 1.59% trên toàn quốc, khoản này cũng được chia đôi giữa bạn và công ty.

※Số liệu của tháng 6 năm 2025

 Ngoài ra, trong một thời gian ngắn sau khi bạn vào làm, mức lương chuẩn đóng bảo hiểm tạm thời sẽ được áp dụng dựa trên mức lương bạn ký kết ban đầu. Tuy nhiên, hàng năm, mức này sẽ được xem xét lại dựa trên mức lương thực tế trung bình của bạn trong tháng 4, 5, 6, và kết quả sẽ được áp dụng từ phí bảo hiểm tháng 9 trở đi.

※Tham khảo: Bảng mức phí bảo hiểm y tế và bảo hiểm hưu trí từ tháng 3 năm 2024 (áp dụng cho khoản nộp tháng 4) (khu vực Tokyo)

 Ngoài ra, thời gian bạn tham gia bảo hiểm hưu trí 厚生年金 ở công ty cũ vẫn sẽ được tính trong lịch sử đóng bảo hiểm lương hưu của bạn, nên bạn đừng lo lắng rằng việc chuyển việc sẽ làm “mất” tích lũy của mình nhé!

Đang xin vĩnh trú mà chuyển việc thì có sao không?

2025.05.22

 Em đang nộp hồ sơ xin vĩnh trú, nhưng mà lại muốn chuyển việc. Có làm sao không ạ? Hồ sơ có bị đánh trượt luôn không??

 Nếu bạn là đang trong quá trình xin vĩnh trú thì chuyển việc là một quyết định rất quan trọng. “Đang xin vĩnh trú mà chuyển việc thì có sao không?”, “Có bị ảnh hưởng gì tới việc xét duyệt không?”

Kết luật: Các bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng, và nếu chuyển việc thì cần phải báo cáo với Cục Quản lý xuất nhập cảnh

 Khi xét duyệt vĩnh trú, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đặc biệt xem xét đến yếu tố: “ổn định trong công việc và cuộc sống” của bạn. Việc chuyển việc có thể làm thay đổi thu nhập, hình thức làm việc, từ đó có thể tác động đến quá trình xét duyệt.

 Ngoài ra, nếu bạn chuyển việc trong lúc đang xin vĩnh trú thì bạn phải báo cáo với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh. Nếu không báo cáo, bạn có thể bị đánh giá bất lợi trong quá trình xét duyệt nên các bạn cần lưu ý nhé.

Ảnh hưởng của việc chuyển việc tới quá trình xét duyệt vĩnh trú

    • Thu nhập không ổn định: Nếu việc chuyển việc dẫn đến việc thu nhập bị gián đoạn tạm thời hoặc giảm sút, có khả năng bạn sẽ bị Cục đánh giá là không có đủ năng lực kinh tế để duy trì cuộc sống ổn định. Đặc biệt, việc chuyển sang làm trong thời gian thử việc hoặc làm hợp đồng có thời hạn cũng có thể bị cho là thiếu sự ổn định lâu dài.
    • Nghi ngờ về tính liên tục trong công việc: Việc chuyển việc thường xuyên trong thời gian ngắn có thể gây ấn tượng rằng bạn “không có một công việc ổn định” và làm dấy lên nghi ngờ về khả năng định cư lâu dài của bạn tại Nhật Bản.
    • Không phù hợp với tư cách lưu trú: (Ví dụ: trường hợp có tư cách 技術・人文知識・国際業務 – “Kỹ thuật・Tri thức nhân văn・Nghiệp vụ quốc tế”,…) Nếu nội dung công việc sau khi chuyển việc khác biệt lớn so với nội dung công việc bạn đang làm dựa trên tư cách lưu trú khi nộp đơn xin vĩnh trú, có khả năng bạn sẽ bị đánh giá là đang thực hiện các hoạt động không phù hợp với tư cách lưu trú hiện tại.
    • Thay đổi điểm số đối với trường hợp visa Nhân lực chất lượng cao (高度専門職): Nếu bạn đang xin vĩnh trú với tư cách lưu trú “Nhân lực chất lượng cao” thì việc chuyển việc có thể khiến điểm số theo bảng tính điểm chuyên môn cao của bạn xuống dưới mức tiêu chuẩn, khiến điều kiện visa vĩnh trú không đạt được điều kiện xin theo visa “Nhân lực chất lượng cao”.
    • Thời gian xét duyệt bị kéo dài: Nếu bạn chuyển việc trong khi xin vĩnh trú, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh sẽ cần xác minh thêm thông tin về nơi làm việc mới và tình hình hiện tại của bạn. Do đó, thời gian xét duyệt có thể kéo dài hơn bình thường.

Những điểm cần cân nhắc khi chuyển việc

 Nếu bạn đang cân nhắc chuyển việc trong khi đang xin vĩnh trú, hãy lưu ý những điểm sau và đưa ra quyết định một cách thận trọng.

    • Tính phù hợp với tư cách lưu trú hiện tại: Trước tiên, bạn nhất định phải kiểm tra xem công việc ở chỗ làm mới có nằm trong phạm vi hoạt động mà tư cách lưu trú hiện tại của bạn cho phép hay không. Nếu bạn chuyển việc và làm các công việc không đúng với tư cách lưu trú của mình thì không chỉ ảnh hưởng xấu tới việc xin vĩnh trú mà còn có nguy cơ bị rơi vào tình trạng lao động bất hợp pháp nữa.
    • Xác nhận tính ổn định của nơi làm việc mới: Hãy tìm hiểu kỹ về hình thức tuyển dụng, tình hình kinh doanh, mức lương của nơi làm việc mới và cân nhắc cẩn thận xem liệu bạn có thể có được thu nhập ổn định lâu dài hay không. Được tuyển với tư cách là nhân viên chính thức hoặc chuyển việc vào công ty lớn hơn thì sẽ có lợi hơn khi xin vĩnh trú.
    • Yếu tố thăng tiến trong sự nghiệp: Nếu bạn quyết định chuyển việc, hãy cố gắng tìm một công việc có điều kiện tốt hơn, giúp bạn phát triển sự nghiệp. Việc tăng thu nhập hoặc nâng cao khả năng chuyên môn sẽ là các yếu tố tích cực trong quá trình xét duyệt.
    • Tham khảo ý kiến chuyên gia: Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy tham khảo ý kiến của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh hoặc các chuyên gia như luật sư hành chính 行政書士 chuyên về visa.
    • Cân nhắc chuyển việc sau khi đã xin được vĩnh trú: An toàn nhất là bạn nên đợi có được vĩnh trú rồi mới chuyển việc sau. Khi đã có vĩnh trú, bạn sẽ không còn bị hạn chế về việc làm và có thể tự do lựa chọn công việc.

Nếu bạn đã chuyển việc…

Nếu bạn đã chuyển việc trong khi đang xin vĩnh trú, hãy chú ý thực hiện đầy đủ các việc sau:

    • Báo cáo với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh: Nhanh chóng báo cáo việc bạn đã chuyển việc với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh nơi bạn cư trú. Nếu bạn không báo cáo, trong trường hợp xấu nhất, tư cách vĩnh trú của bạn có thể bị thu hồi.
    • Nộp các giấy tờ cần thiết: Cục Quản lý Xuất nhập cảnh có thể yêu cầu bạn nộp thông tin, giấy tờ về nơi làm việc mới, hợp đồng lao động, giấy tờ chứng minh thu nhập, v.v. Hãy làm theo hướng dẫn của Cục và nhanh chóng nộp các giấy tờ được yêu cầu.
    • Làm thủ tục thay đổi tư cách lưu trú (nếu cần thiết): Nếu nội dung công việc sau khi chuyển việc không còn phù hợp với tư cách lưu trú hiện tại của bạn, bạn cần nhanh chóng nộp đơn xin thay đổi tư cách lưu trú.

Tóm lại

 Trong thời gian đang xin visa vĩnh trú, nếu bạn chuyển việc thì về nguyên tắc, bạn có nghĩa vụ phải báo cáo cho Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh, và điều đó có thể ảnh hưởng đến việc xét duyệt. Tất nhiên, không phải cứ chuyển việc là “auto trượt” vĩnh trú vì còn tuỳ vào lý do, thời điểm chuyển việc và nội dung công việc mới nữa,…

 Điều quan trọng nhất là bạn phải giữ được cuộc sống ổn định và báo cáo đầy đủ, nhanh chóng thông tin cho Cục.

 Hãy suy nghĩ kỹ và xử lý cẩn thận để không bỏ lỡ cơ hội được cấp vĩnh trú nhé.

Bị lưu ban thì có gia hạn được visa du học không?

2025.05.20

Em là sinh viên đại học. Nếu bị lưu ban thì em có thể gia hạn được visa du học không?

 Không giống như trường tiếng Nhật hay trường senmon, các trường đại học ở Nhật Bản sử dụng hệ thống tín chỉ nên tỷ lệ chuyên cần không ảnh hưởng đến việc gia hạn visa. Tuy nhiên, nếu bạn bị lưu ban thì việc gia hạn visa du học sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

 Cụ thể là:

      • Lưu ban lần 1: Bạn vẫn có cơ hội gia hạn được visa nếu giải trình lý do bị lưu ban trong đơn xin gia hạn (〇).
      • Lưu ban lần 2: Bạn cần phải giải trình về lý do bị lưu ban và việc gia hạn sẽ khó khăn hơn, nhưng vẫn có khả năng (△).
      • Lưu ban lần 3: Về nguyên tắc, bạn rất khó để gia hạn visa, trừ khi có lý do đặc biệt như bệnh tật (×).

 

 Tất nhiên, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh mới là cơ quan có quyền quyết định nên những điều trên không phải là tuyệt đối. Tuy nhiên, mong các bạn hãy cố gắng học tập để không bị lưu ban nhé!

Bảo hiểm thất nghiệp – 雇用保険 là gì?

2025.05.18

Bảng lương tháng nào em cũng thấy bị trừ khoản 雇用保険. Đây là tiền gì thế?

 雇用保険 (こようほけん)- Bảo hiểm thất nghiệp  là một chế độ bảo hiểm của Nhà nước, giúp đỡ những người lao động khi họ bị mất việc, hoặc khi nghỉ thai sản, chăm sóc người thân… để ổn định cuộc sống và việc làm. Người nước ngoài đang sống và làm việc ở Nhật Bản cũng có thể tham gia nếu đáp ứng đủ một số điều kiện.

 

Những khoản hỗ trợ chính từ Bảo hiểm thất nghiệp 雇用保険

        • Trợ cấp thất nghiệp (trợ cấp cơ bản) 求職者給付(基本手当): Hay còn gọi là “trợ cấp thất nghiệp” – 失業手当. Khoản này sẽ được chi trả để hỗ trợ cuộc sống và quá trình tìm việc mới cho bạn nếu bạn đáp ứng một trong những điều kiện sau. Số tiền và thời gian nhận trợ cấp sẽ khác nhau tùy thuộc vào lý do bạn nghỉ việc, tuổi và thời gian bạn đã đóng bảo hiểm.
           Điều kiện nhận trợ cấp: Bạn đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 tháng trong vòng 2 năm trước khi nghỉ việc.
             ※Trường hợp đặc biệt (công ty phá sản, bị sa thải…): Bạn đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 6 tháng trong vòng 1 năm trước khi nghỉ việc.
        • Trợ cấp ốm đau – 傷病手当: Nếu bạn bị bệnh hoặc bị thương không thể đi làm trong thời gian dài, bạn có thể nhận tiền trợ cấp ốm đau.
        • Trợ cấp nghỉ thai sản – 育児休業給付金: Dành cho những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ, giúp họ có thu nhập trong thời gian nghỉ.
        • Trợ cấp hỗ trợ tìm việc – 就職促進給付: Đây là các khoản tiền khuyến khích bạn tìm được việc làm mới nhanh chóng, ví dụ như tiền thưởng khi tìm được việc sớm, tiền hỗ trợ để bạn làm việc ổn định lâu dài ở chỗ làm mới, hoặc các khoản hỗ trợ học nghề như tiền học, tiền ở trọ…
        • Trợ cấp đào tạo – 教育訓練給付金: Hỗ trợ những người muốn nâng cao kỹ năng hoặc phát triển sự nghiệp bằng cách chi trả một phần chi phí các khóa học nghề được Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi chỉ định. Có nhiều loại như trợ cấp đào tạo thông thường, trợ cấp đào tạo đặc biệt, trợ cấp đào tạo chuyên sâu.
        • Trợ cấp nghỉ chăm sóc người thân – 介護休業給付金: Dành cho những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp nghỉ việc để chăm sóc người thân bị bệnh,…
        • Trợ cấp tìm việc cho người cao tuổi – 高年齢求職者給付金: Dành cho những người trên 65 tuổi nghỉ việc và vẫn có mong muốn cũng như khả năng tìm việc mới. Thời gian nhận trợ cấp này sẽ ngắn hơn so với trợ cấp tìm việc thông thường.
        • Trợ cấp duy trì việc làm cho người cao tuổi – 高年齢雇用継続給付: Nếu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục làm việc sau 60 tuổi mà lương bị giảm đi một mức nhất định so với thời điểm 60 tuổi, họ sẽ được nhận khoản trợ cấp này.

     

    Ai là đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp 雇用保険?

     Về nguyên tắc, tất cả người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc diện áp dụng bảo hiểm thất nghiệp và đáp ứng cả hai điều kiện sau đều là đối tượng tham gia:
     1. Thời gian làm việc theo quy định một tuần từ 20 giờ trở lên.
     2. Có dự kiến làm việc trên 31 ngày.

     Ngoài ra, dù là nhân viên part-time, làm thêm, hay chủ doanh nghiệp và người lao động có muốn tham gia hay không, nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên thì vẫn phải tham gia.

    ※Đối tượng sau đây thường không thuộc diện tham gia: Người làm tự do, chủ doanh nghiệp và người thân trong gia đình họ, sinh viên thuộc khối học ban ngày đi làm thêm, công việc làm thêm ngắn hạn…

     

    Ai là người chi trả tiền phí của Bảo hiểm thất nghiệp 雇用保険料?

    Thông thường, cả người lao động và chủ doanh nghiệp đều cùng phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo tỷ lệ quy định (tỷ lệ đóng góp của chủ doanh nghiệp thường cao hơn).

     

    Lưu ý quan trọng

     Các khoản trợ cấp từ bảo hiểm thất nghiệp chỉ được chi trả cho những người đáp ứng các điều kiện được quy định trong Luật Bảo hiểm Việc làm. Nếu bạn có hành vi gian dối để nhận trợ cấp, đó sẽ bị coi là hành vi nhận trợ cấp bất hợp pháp.

    Ví dụ về hành vi nhận trợ cấp bất hợp pháp:

        • Thực tế vẫn đang đi làm và có thu nhập nhưng lại khai báo là đang thất nghiệp để nhận trợ cấp tìm việc.  
        • Có làm thêm hoặc có công việc phụ nhưng không khai báo thu nhập.
        • Đã tìm được việc làm mới nhưng không báo cho Trung tâm Dịch vụ Việc làm (ハローワーク/Hello Work).
        • Khai gian về các hoạt động tìm kiếm việc làm.

     

    Nếu bị phát hiện nhận trợ cấp bất hợp pháp

    Nếu bị phát hiện, bạn có thể bị ngừng nhận trợ cấp, bị yêu cầu hoàn trả số tiền đã nhận, hoặc thậm chí bị phạt gấp 2 hoặc 3 lần số tiền đã nhận. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo.

     

    Để tránh nhận trợ cấp bất hợp pháp

    Khi nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, hãy luôn khai báo chính xác tình hình của bạn và tuân thủ các quy định. Nếu có bất kỳ điều gì không rõ, bạn nên hỏi lại Trung tâm Dịch vụ Việc làm (ハローワーク/Hello Work).

     

    まとめ

    Bảo hiểm thất nghiệp là một chế độ quan trọng giúp ổn định cuộc sống của người lao động. Nếu bạn là người nước ngoài đang sống và làm việc ở Nhật Bản, rất có thể bạn cũng thuộc đối tượng tham gia, vì vậy hãy tìm hiểu kỹ về chế độ này nhé.

    Nếu bạn có thắc mắc nào về bảo hiểm thất nghiệp thì có thể hỏi bộ phận nhân sự của công ty hoặc liên hệ trực tiếp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm (ハローワーク/Hello Work) để được giải đáp nhé!

    Lương thấp, có nợ thì có đổi được Quốc tịch không?

    2025.05.10

     Một trong những điều kiện để xin quốc tịch là Điều kiện ổn định về sinh kế.

     Tuy nhiên điều kiện này cũng được nới lỏng khá nhiều so với trước đây cũng như so với xét hồ sơ xin Vĩnh trú.

     Kể cả nếu lương của bạn chỉ từ khoảng 250-300 man/ năm đi nữa, nếu bạn có kế hoạch chi tiêu phù hợp với thu nhập của bản thân (hoặc gia đình) thì vẫn có cơ hội để đổi được Quốc tịch.

     Về vấn đề nợ, sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và số tiền nợ.

     Nếu số tiền nợ quá lớn so với thu nhập thì có khả năng sẽ khó xin Quốc tịch.
    Ngược lại, nếu bạn không nhận trợ cấp xã hội, và có kế hoạch trả nợ rõ ràng thực hiện trả nợ đầy đủ thì bạn vẫn có khả năng xin được Quốc tịch.

     ※Tuy nhiên, hồ sơ Quốc tịch sẽ phụ thuộc khá nhiều vào thực trạng riêng biệt của từng hồ sơ, cũng như phán đoán của Sở Tư pháp địa phương. Do vậy hãy liên hệ với Sở tư pháp địa phương hoặc Văn phòng luật sư hành chính để được tư vấn cụ thể hơn nhé!

    Phòng tránh tai nạn lao động cho lao động nước ngoài

    2024.12.21

     Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tích cực tuyển dụng lao động người nước ngoài do tình trạng thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, tai nạn lao động tăng cao đang là một vấn đề nổi cộm trong quá trình lao động người nước ngoài thích ứng với môi trường làm việc tại Nhật Bản.

     Bài viết này sẽ xem xét tình trạng tai nạn lao động liên quan đến lao động người nước ngoài và cũng như các điểm mà doanh nghiệp nên chú ý để hạn chế tai nạn lao động ở mức tối đa.

    1.Hiện trạng tai nạn lao động của người lao động nước ngoài

     Theo dữ liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số vụ tai nạn lao động liên quan đến người lao động nước ngoài đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Một số nguyên nhân chính được chỉ ra như sau:

    ❶ Rào cản ngôn ngữ:
    Một trong những nguyên nhân là do người lao động chưa hiểu rõ quy trình làm việc và các quy tắc an toàn lao động trước khi bắt đầu công việc. Đặc biệt, thuật ngữ chuyên ngành và những lưu ý có thể khó được truyền đạt chính xác.

    ➋ Khác biệt về văn hóa:
    Nhận thức và thói quen về an toàn lao động khác biệt với nước Nhật có thể khiến cho người lao động nước ngoài xem nhẹ các quy tắc an toàn trong môi trường làm việc tại Nhật Bản.

    ❸ Môi trường làm việc tiềm ẩn nguy hiểm:
    Đặc biệt trong các ngành như xây dựng và sản xuất sẽ xuất hiện nhiều công việc có tính rủi ro cao. Nếu không được đào tạo và hướng dẫn đầy đủ, nguy cơ tai nạn lao động sẽ gia tăng.

    (Nguồn: Tài liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản )

    2.Các biện pháp doanh nghiệp cần thực hiện để phòng ngừa tai nạn lao động

     Để tạo ra một môi trường làm việc an toàn và an tâm cho người lao động nước ngoài, doanh nghiệp nên thực hiện những biện pháp sau:

      ❶ Hướng dẫn an toàn lao động một cách dễ hiểu
        ◆ Tạo tài liệu hướng dẫn an toàn lao động song ngữ
         Soạn và phân phát tài liệu hướng dẫn về quy trình làm việc và quy tắc an toàn lao độn bằng ngôn ngữ mà người lao động nước ngoài có thể hiểu được.
        ◆ Thực hiện đào tạo an toàn lao động thực tế
         Bên cạnh việc học lý thuyết, doanh nghiệp cũng nên áp dụng các chương trình đào tạo cho phép người lao động trải nghiệm và học hỏi về các mối nguy hiểm tại nơi làm việc thực tế.

      ➋ Thúc đẩy giao tiếp, trao đổi khi làm việc
        ◆ Bố trí phiên dịch viên và nhân viên song ngữ
         Trong phạm vi có thể, doanh nghiệp nên bố trí phiên dịch viên và nhân viên có thể hỗ trợ người lao động nước ngoài.
        ◆ Tổ chức họp định kỳ
         Nên tạo cơ hội để chia sẻ các vấn đề và ý kiến liên quan đến an toàn lao động, đồng thời tạo môi trường để người lao động nước ngoài dễ dàng bày tỏ ý kiến.

      ❸ Cải thiện môi trường làm việc
        ◆ Cung cấp đầy đủ thiết bị bảo hộ
         Đảm bảo cung cấp đầy đủ các thiết bị bảo hộ như mũ bảo hiểm, găng tay, v.v. và hướng dẫn kỹ càng về cách sử dụng.
        ◆ Nêu rõ những nơi nguy hiểm
         Đặt các biển báo và hình ảnh minh họa bằng nhiều ngôn ngữ tại những nơi nguy hiểm trong khu vực làm việc để cảnh báo trực quan.

    (Nguồn: Tài liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản )

    3.Xây dựng văn hóa an toàn để nhân viên nước ngoài phát huy năng lực

     Chìa khóa để phòng chống tai nạn lao động là xây dựng văn hóa an toàn trong toàn doanh nghiệp. Điều này có thể đạt được thông qua những nỗ lực sau:

        • Chia sẻ ý thức coi trọng về an toàn lao động
          Ban lãnh đạo công ty cần tiên phong trong hành động để tất cả nhân viên đều có ý thức trong công việc: “An toàn là trên hết”.
        • Thu hút sự tham gia của nhân viên nước ngoài:
          Cần khuyến khích nhân viên nước ngoài chủ động tham gia vào ban an toàn hoặc các hoạt động cải thiện, để họ có trách nhiệm hơn với công việc.

     

    (Nguồn: Tài liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản )

     Để phòng ngừa tai nạn lao động cho lao động người nước ngoài, các doanh nghiệp nên chủ động thực hiện các biện pháp giáo dục về an toàn và cải thiện môi trường làm việc. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể tạo ra một môi trường làm việc an toàn, an tâm cho nhân viên người nước ngoài, đồng thời nâng cao năng suất và uy tín của toàn công ty.

    Tỉ lệ chuyên cần phải đạt để xin được visa?

    2024.12.20

    Khi du học sinh gia hạn hoặc đổi tư cách lưu trú thì tỉ lệ chuyên cần cần khoảng từ bao nhiêu phần trăm trở lên? 

     Đối với du học sinh tại các trường tiếng Nhật và trường senmon thì tỉ lệ chuyên cần là yếu tố rát quan trọng khi làm thủ tục gia hạn hoặc đổi visa. Nếu tỷ lệ này càng thấp thì rủi ro trượt visa sẽ càng cao.

     Về cơ bản, tiêu chuẩn thường được xét như dưới đây: 

        • Tỷ lệ chuyên cần trên 80%: Về cơ bản là không ảnh hưởng tới visa.
        • Tỷ lệ chuyên cần từ 70% đên 80%: Nhiều khả năng sẽ cần phải giải trình lý do vắng mặt nhiều trong đơn xin visa.
             ※Nếu có lý do chính đáng (ví dụ: ốm đau), thì vẫn có thể xin được visa. Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải nộp các giấy tờ chứng minh như giấy khám bệnh,…
             ※Kể cả nếu bạn không giải trình lý do khi nộp đơn thì Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cũng có thể yêu cầu bạn bổ sung giấy tờ.
        • Tỷ lệ chuyên cần dưới 70%: Khả năng trượt visa sẽ khá cao.

     

     Tất nhiên, quyết định nằm ở Cục Quản lý Xuất nhập cảnh nên những con số trên chỉ mang tính chất tham khảo chứ không phải là tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ chuyên cần không đạt trên 80% thì bạn nên chuẩn bị đơn giải trình lý do từ trước.

     

     ※Lưu ý: Các trường đại học ở Nhật Bản áp dụng chế độ học theo tín chỉ, do đó tỷ lệ chuyên cần sẽ không liên quan đến việc xin visa.

    Phân biệt giữa To, CC và BCC khi sử dụng mail

    2024.12.19

     Khi gửi email, chắc hẳn bạn đã thấy các trường “To”, “CC” và “BCC” rồi đúng không? Mỗi trường này lại có cách dùng hoàn toàn khác nhau nên nếu biết cách sử dụng đúng cách thì việc chia sẻ thông tin và trao đổi qua email sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Cùng tìm hiểu xem từng trường có gì đặc biệt và dùng như thế nào cho đúng nhé!

    1. To(宛先 – Ate saki)(Người nhận)

        • Trường “To” dùng để chỉ định người nhận chính của email.
          Những người nhận được email trong trường “To” thường là những người được yêu cầu trực tiếp xử lý hoặc trả lời nội dung email.
        • Ví dụ, khi bạn gửi email yêu cầu công việc hoặc thông báo điều gì đó, người phụ trách chính sẽ được điền vào trường “To”. Bạn cũng có thể điền nhiều địa chỉ email vào trường “To”, nhưng trong trường hợp này, bạn cần nói rõ ai là người chịu trách nhiệm chính.

     

     2. CC(カーボンコピー)(“Sao chép”)

        • “CC” là viết tắt của “Carbon Copy”, được sử dụng khi bạn muốn chia sẻ nội dung email cho những người khác ngoài người nhận chính.
          Các địa chỉ email được thêm vào trường “CC” sẽ hiển thị cho tất cả những người nhận được email.
        • Ví dụ, bạn có thể dùng trường “CC” khi muốn chia sẻ tiến độ dự án cho tất cả các thành viên trong nhóm.
        • Tuy nhiên, những người nhận email trong trường “CC” về cơ bản không có nghĩa vụ phải trả lời, nhưng họ cần phải đọc và nắm được nội dung email.

     

    3. BCC (ブラインドカーボンコピー)(“Sao chép ẩn”)

        • “BCC” là viết tắt của “Blind Carbon Copy”, được sử dụng khi bạn muốn gửi email mà không để lộ danh sách người nhận cho những người khác.
          Các địa chỉ email được thêm vào trường “BCC” sẽ bị ẩn đi và không hiển thị cho bất kỳ người nhận nào khác.
        • Ví dụ, khi bạn gửi email hàng loạt cho nhiều khách hàng, bạn có thể dùng trường “BCC” để bảo vệ thông tin cá nhân của họ, tránh để lộ địa chỉ email của người này cho người khác.
        • Tuy nhiên, người nhận email trong trường “BCC” cần cẩn thận khi trả lời. Nếu họ vô tình nhấn “Reply All” (全員に返信), tất cả những người nhận khác sẽ biết được rằng họ cũng nằm trong danh sách người nhận ẩn.

     

    ★☆Những điểm cần lưu ý khi sử dụng☆★

        • 「To」:Dùng cho người nhận chính và những người bạn muốn họ xử lý hoặc phản hồi email.
        • 「CC」:Dùng cho những người cần được chia sẻ thông tin.
        • 「BCC」:Dùng cho những người bạn muốn ẩn địa chỉ email của họ với những người nhận khác.

     

     Bằng cách chọn đúng trường, bạn có thể kiểm soát phạm vi chia sẻ thông tin và nâng cao hiệu quả giao tiếp. Đặc biệt, khi sử dụng “BCC”, bạn cần cẩn thận để không điền nhầm vào trường “CC”.

    2 cách nộp thuế thị dân: 特別徴収 và 普通徴収

    2024.12.18

    Em nghe nói là có 2 kiểu nộp thuế thị dân là 「特別徴収」và「普通徴収」. Hai cái này khác nhau cái gì ạ?

     Thuế thị dân, hay còn gọi là thuế cư trú (住民税)  là loại thuế chúng ta phải nộp cho chính quyền thành phố, quận, thị trấn, làng nơi mình sinh sống.
     Tuy nhiên, có hai cách nộp thuế cư trú khá khác biệt, đó là Thu thuế đặc biệt (特別徴収 – Tokubetsu choushuu)Thu thuế thông thường (普通徴収 – Futsu choushuu).
     Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về sự khác biệt giữa hai cách thức này nhé

    Thu thuế đặc biệt (特別徴収 – Tokubetsu choushuu) là gì?

     Thu thuế đặc biệt (特別徴収) là phương thức mà công ty hoặc chủ doanh nghiệp sẽ khấu trừ trực tiếp thuế cư trú từ tiền lương của người lao động và thay mặt họ nộp cho chính quyền địa phương. Nói cách khác, chúng ta không cần phải tự mình thực hiện các thủ tục nộp thuế mà công ty sẽ làm thay.

     ◆Lợi ích:
       ・Người có trách nhiệm nộp thuế không cần thực hiện thủ tục nộp thuế, tiết kiệm thời gian và công sức.
       ・Số tiền thuế được khấu trừ dần hàng tháng nên không tạo cảm giác gánh nặng.

     ◆Bất lợi:  
       ・Tăng thêm gánh nặng công việc hành chính cho doanh nghiệp (công ty).

     

     Thu thuế thông thường (普通徴収) là gì?

     Thu thuế thông thường (普通徴収) là phương thức mà người nộp thuế sẽ tự mình nộp thuế bằng cách sử dụng giấy nộp tiền do chính quyền địa phương gửi đến.

     ◆Lợi ích: 
      ・Một số địa phương cho phép nộp thuế bằng thẻ tín dụng và tích điểm.

     ◆Bất lợi: 
      ・Phải tự mình thực hiện các thủ tục nộp thuế.
      ・Có nguy cơ quên nộp thuế.

     

    Vậy thì khi nào áp dụng Thu thuế đặc biệt, khi nào áp dụng Thu thông thường?

     Thông thường, người là nhân viên công ty sẽ áp dụng hình thức thu thuế đặc biệt. Ngược lại, người tự kinh doanh hoặc người sống bằng tiền trợ cấp hưu trí thường sẽ áp dụng hình thức thu thuế thông thường.

    Tóm tắt

    Nội dung 特別徴収 – thu thuế đặc biệt 普通徴収 – thu thuế thông thường
    Phương pháp   Công ty trừ từ lương   納税者が自分で納付
    Thủ tục   Không cần   納付書を使って納付
    Lợi ích   Người nộp thuế k cần làm thủ tục, cảm giác chịu thuế sẽ giảm bớt phần nào   Một số địa phương cho phép nộp thuế bằng thẻ tín dụng và tích điểm
    Bất lợi   Tăng thêm gánh nặng công việc hành chính cho doanh nghiệp (công ty).   Thủ tục phức tạp, có thể quên/nộp chậm
    Áp dụng cho   Nhân viên công ty   Người làm nghề tự do, người hưởng lương hưu

    Như vậy, có hai cách để nộp thuế cư trú là Thu thuế đặc biệtThu thuế thông thường. Mỗi cách đều có những ưu và nhược điểm riêng. Hãy cùng điểm qua để lựa chọn phương thức phù hợp nhất với bạn nhé!