Lưu trữ của tác giả: zou-wp

So sánh JLPT và BJT

2024.12.17

 Để chứng minh năng lực tiếng Nhật, người nước ngoài thường sử dụng 2 kỳ thi chính là “Kỳ thi năng lực tiếng Nhật (日本語能力試験 – JLPT)”“Kỳ thi tiếng Nhật thương mại (ビジネス日本語能力テスト – BJT)”.
 Hai kỳ thi này có mục đích và tiêu chí đánh giá khác nhau nên đều có những đặc điểm riêng. Sau đây là giải thích chi tiết về nội dung và điểm khác biệt giữa hai kỳ thi quan trọng này.

1. Khái quát về 2 kỳ thi

  ◆Kỳ thi năng lực tiếng Nhật – 日本語能力試験(JLPT):Nhằm mục đích đánh giá năng lực tiếng Nhật trong cuộc sống hàng ngày và các tình huống giao tiếp chung. Bài thi được chia thành 5 cấp độ từ N5 (dễ nhất) đến N1 (khó nhất), cho phép thí sinh lựa chọn cấp độ phù hợp với bản thân.

  ◆Kỳ thi tiếng Nhật Thương mại –  ビジネス日本語能力テスト(BJT): Đánh giá năng lực giao tiếp tiếng Nhật chuyên biệt cho môi trường kinh doanh. Bài thi tập trung vào cách sử dụng từ ngữ và kỹ năng giao tiếp đặc thù trong kinh doanh, dành cho những người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh hoặc sinh viên không phải người bản ngữ.

 

2. Nội dung thi – hình thức đánh giá

  ◆ Kỳ thi JLPT:Bao gồm 3 phần là “Kiến thức ngôn ngữ (chữ Hán, từ vựng, ngữ pháp)”, “Đọc hiểu” và “Nghe hiểu”. Kết quả đạt hay không đạt được đánh giá dựa trên điểm số của từng phần.

  ◆Kỳ thi BJT:Bao gồm 3 phần là “Nghe hiểu”, “Nghe – Đọc hiểu” và “Đọc hiểu”, với các câu hỏi được thiết kế dựa trên các tình huống trong môi trường kinh doanh. Bài thi không có đánh giá đỗ hay trượt, thay vào đó sử dụng thang điểm từ 0 đến 800, cùng với 6 cấp độ từ J5 (thấp nhất) đến J1+ (cao nhất) để đánh giá năng lực.

 

3. Cách thức dự thi, tần suất thi

  ◆Kỳ thi JLPT:Được tổ chức 2 lần/năm (tháng 7 và tháng 12), với ngày thi thống nhất trên toàn thế giới. Bài thi được thực hiện trên giấy.

  ◆Kỳ thi BJT:Được thực hiện trên máy tính theo hình thức CBT (Computer Based Testing – Thi trên máy tính), và có thể thi nhiều lần trong năm. Thí sinh có thể lựa chọn ngày giờ và địa điểm thi phù hợp.
 ※Lưu ý: Nếu thi lại, bạn phải đợi ít nhất 3 tháng kể từ lần thi trước.

4. Lệ phí thi

  ◆JLPT:Lệ phí thi ở Nhật Bản là 7.500 yên (đã bao gồm thuế).

  ◆BJT:Lệ phí thi ở Nhật Bản là 7.000 yên (đã bao gồm thuế).

 ※Thông tin này được cập nhật vào tháng 12 năm 2024. Lệ phí thi ở nước ngoài khác nhau tùy theo địa điểm thi.

5. Lợi ích

  ◆Kỳ thi JLPT:Được công nhận rộng rãi trong và ngoài nước Nhật như một chứng chỉ năng lực tiếng Nhật khi xin việc hoặc học lên cao.

  ◆Kỳ thi BJT:Vì đây là kỳ thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Nhật trong kinh doanh nên chứng chỉ này đặc biệt có lợi cho những công việc đòi hỏi kỹ năng tiếng Nhật trong môi trường làm việc. Ngoài ra, giống như JLPT, chứng chỉ BJT cũng có thể được nộp cho Cục Quản lý Xuất nhập cảnh thuộc Bộ Tư pháp như một loại giấy tờ chứng minh năng lực tiếng Nhật, và cũng được tính điểm trong hệ thống tính điểm cho visa nhân lực chất lượng cao.

 

6. Sử dụng kết quả thi

  ◆Kỳ thi JLPT:Bài thi có đánh giá Đỗ/Trượt, và người thi đỗ sẽ được cấp giấy chứng nhận. Kết quả chủ yếu được sử dụng để chứng minh năng lực tiếng Nhật khi xin học hoặc xin việc.

  ◆Kỳ thi BJT:Bài thi được đánh giá bằng điểm số và cấp độ, không có khái niệm Đỗ/Trượt. Kết quả được sử dụng như một chỉ số về năng lực giao tiếp tiếng Nhật trong kinh doanh.

 


 JLPT là kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Nhật trong cuộc sống hàng ngày và các tình huống giao tiếp chung, còn BJT là kỳ thi tập trung đánh giá năng lực giao tiếp tiếng Nhật chuyên biệt trong môi trường kinh doanh.

 Kỳ thi nào cũng có những đặc thù và mục đích riêng biệt. Đặc biệt, nếu bạn có dự định sử dụng tiếng Nhật trong công việc, bạn nên cân nhắc việc tham gia kỳ thi BJT.

Công ty có được phép mua lại ngày nghỉ có lương Yuuykuu không?

2024.12.16

 Về nguyên tắc, công ty không được phép mua lại ngày nghỉ có lương (有給休暇 – Yuukyuu kyuuka) của người lao động.

 Tuy nhiên, trong các trường hợp dưới đây thì có thể

      1. Những ngày nghỉ phép sắp hết hạn
        Đối với các ngày nghỉ phép sắp bị mất hiệu lực do hết thời hạn (2 năm) thì doanh nghiệp có thể mua lại.

      2. Khi người lao động nghỉ việc
        Khi người lao động nghỉ việc mà vẫn còn ngày nghỉ phép chưa sử dụng, doanh nghiệp có thể mua lại.
      3. Số ngày nghỉ phép vượt quá quy định của pháp luật
        Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn lao động, người lao động được hưởng số ngày phép tăng dần theo số năm làm việc. Tuy nhiên, số ngày tối đa là 20 ngày/năm. 
        Trong trường hợp công ty có tự đặt luật để tăng số ngày tối đa này cho nhân viên làm lâu năm thì công ty có thể mua lại số ngày tăng thêm này.

 Việc mua lại ngày nghỉ phép năm có thể được thực hiện theo quy định của Nội quy lao động (就業規則) của công ty. Tuy nhiên, các điều khoản và điều kiện vận hành cụ thể phải tuân theo quy định của từng công ty.

 Vì luật không quy định về giá mua lại, nên công ty có thể tự do quyết định. Có thể tính theo số tiền tương đương với khi người lao động sử dụng ngày nghỉ phép thông thường, hoặc tự do đặt ra mức giá như “〇〇〇〇 yên/ngày”.

 Công ty và người lao động nên trao đổi trước để thống nhất về giá mua lại ngày nghỉ phép này.

Tem hoạt động ngoài tư cách:Dạng Houtsu và Kobetsu

2024.12.14

 Khi người nước ngoài hoạt động tại Nhật Bản, phạm vi hoạt động được cho phép sẽ khác nhau tùy theo loại tư cách lưu trú. Vì vậy, nếu bạn muốn thực hiện hoạt động ngoài phạm vi cho phép của tư cách lưu trú, bạn cần phải xin “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú” (「資格外活動許可 – Shikakugai katsudou kyoka).

 Giấy phép này được chia thành 2 loại là “Giấy phép phổ quát” (「包括許可」- Houkatsu kyoka)“Giấy phép riêng biệt” (個別許可」- Kobetsu kyoka). Hãy cùng tìm hiểu đặc điểm và phạm vi áp dụng của từng loại giấy phép để áp dụng cho đúng nhé!


包括許可 – “Giấy phép phổ quát” là gì?

 Giấy phép phổ quát là loại giấy phép cho phép người nước ngoài được hoạt động ngoài phạm vi thị thực cư trú một cách toàn diện, rộng rãi trong một số điều kiện nhất định. Khi được cấp loại giấy phép này, bạn sẽ được phép làm việc tại nhiều nơi và tham gia nhiều hoạt động khác nhau trong một phạm vi nhất định.

 

Đặc điểm chính 
  ◆Ví dụ áp dụng:Chủ yếu áp dụng cho du học sinh và người có visa gia đình khi muốn làm thêm.
  ◆Giới hạn thời gian làm việc
    ・Đối với du học sinh: Không quá 28 giờ/tuần (trong kỳ nghỉ dài hạn không quá 40 giờ/tuần).
    ・Đối với người visa gia đình: Không quá 28 giờ/tuần.
  ◆Giới hạn về loại hình công việc:Cấm làm việc trong ngành kinh doanh giải trí dành cho người lớn (như quán pachinko, quán karaoke, quán bar, v.v.).

 

Lợi ích 
  ◆Không cần phải xin giấy phép mới mỗi lần, giúp đơn giản hóa thủ tục.
  ◆ Nếu công việc đó vẫn nằm trong phạm vi cho phép thì ngay cả khi thay đổi nơi làm thêm cũng không cần phải xin lại giấy phép.


個別許可 – “Giấy phép riêng biệt” là gì

 Giấy phép riêng biệt là loại giấy phép cho phép người nước ngoài được hoạt động ngoài phạm vi của tư cách lưu trú, nhưng giới hạn trong một công việc hoặc hoạt động cụ thể. Không giống như giấy phép phổ quát, bạn cần phải xin phép cho từng hoạt động.

 

Đặc điểm chính 
  ◆Ví dụ áp dụng:Người có thị thực “Kỹ thuật – Nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế” (技術・人文知識・国際業務) muốn tham gia một hoạt động khác ngoài công việc chính đã được công ty cho phép, v.v.
  ◆Phạm vi hoạt động:Chỉ được hoạt động trong phạm vi đã xin và được cấp phép

 

Lợi ích 
  ◆Nội dung giấy phép rõ ràng, ít gặp rắc rối về mặt pháp lý.
  ◆Có thể tập trung vào một hoạt động cụ thể.


Phân biệt “Giấy phép phổ quát” – 包括許可 và “Giấy phép riêng biệt” – 個別許可

Nội dung 包括許可 – Giấy phép phổ quát 個別許可 – Giấy phép riêng biệt
Đối tượng  Du học sinh, visa gia đình,…  Visa shu,…
Nội dung  Cho phép nhiều hoạt động trong điều kiện nhất định  Giới hạn trong một hoạt động cụ thể
Thủ tục  1 lần xin phép cho nhiều hoạt động  Cần xin phép cho từng hoạt động
Tính linh hoạt  Cao  Thấp
Thời gian lao động  Về nguyên tắc, không quá 28 giờ/tuần  Khác nhau tùy theo điều kiện

 

Tổng kết

 Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú được chia thành 2 loại là “Giấy phép phổ quát” (「包括許可」) “Giấy phép riêng biệt” (「個別許可」), mỗi loại có đối tượng áp dụng và phạm vi hoạt động khác nhau. Hãy xem xét và lựa chọn loại giấy phép phù hợp với tư cách lưu trú của mình.
 Hãy chú ý tuân thủ đúng pháp luật về các hoạt động lưu trú trong bất cứ hoàn cảnh nào nhé. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy nhớ tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc Cục Quản lý Xuất nhập cảnh.

Nhận trợ cấp ốm đau 傷病手当金 sau khi đã về nước

2024.12.13

Tôi đã xin trợ cấp ốm đau Shoubyou teate (傷病手当金), vậy nếu về nước thì có nhận được không?

  Nếu bạn đã hủy tài khoản ngân hàng ở Nhật thì việc nhận trợ cấp ốm đau sẽ gặp khó khăn. Vì trợ cấp này thường được chuyển vào tài khoản ngân hàng tại Nhật Bản. Nếu không có tài khoản, bạn sẽ không thể nhận được tiền.

 Vậy thì phải làm sao?

1. Liên hệ với công ty hoặc chi nhánh của Hiệp hội bảo hiểm Kenpo (協会けんぽ)

 Trước tiên, hãy liên hệ với chi nhánh Hiệp hội Kenpo nơi bạn đã nộp đơn (hoặc liên hệ với công ty nếu bạn nộp đơn qua công ty) để trình bày tình hình.

    • Thông báo với họ rằng bạn đã đóng tài khoản ngân hàng và hỏi về các thủ tục tiếp theo.
    • Họ có thể đề xuất một số giải pháp như: đổi sang tài khoản ngân hàng khác, hoặc ủy quyền cho người khác ở Nhật Bản nhận thay.

 

2. Ủy quyền cho người khác

 Bạn có thể nhờ người quen hoặc người đại diện đáng tin cậy ở Nhật Bản thực hiện các thủ tục thay bạn. Người được ủy quyền sẽ thay bạn chuẩn bị giấy tờ và liên hệ với Hiệp hội Kenpo.

 

 Điều quan trọng là bạn cần liên hệ với chi nhánh Hiệp hội Kenpo càng sớm càng tốt. Việc này sẽ giúp bạn có cơ hội để vẫn có thể nhận được trợ cấp.

 Nhận trợ cấp ốm đau cần phải có tài khoản ngân hàng tại Nhật Bản. Nếu bạn đã đóng tài khoản, hãy liên hệ ngay với công ty hoặc chi nhánh Hiệp hội Kenpo và tìm cách giải quyết phù hợp.

 Để biết thêm thông tin chi tiết và các thủ tục cụ thể, hãy liên hệ với công ty hoặc chi nhánh Hiệp hội Kenpo.

Visa dựa trên “thân phận” (Mibun-kei) là gì?

2024.12.10

“Tư cách lưu trú (Visa) dựa trên thân phận” (身分系の在留資格 – Mibun-kei) là các tư cách lưu trú được cấp cho người nước ngoài có mối liên hệ đặc biệt với Nhật Bản.

Các loại visa theo dạng Mibun-kei

◆ Tư cách lưu trú không thời hạn
  ・Vĩnh trú (永住者):Người nước ngoài đã được cấp phép cư trú vĩnh viễn tại Nhật Bản.
  ・Vĩnh trú đặc biệt (特別永住者):Tư cách lưu trú được quy định trong “Luật đặc biệt về quản lý xuất nhập cảnh đối với những người đã từ bỏ quốc tịch Nhật Bản dựa trên Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản” (Luật đặc biệt về xuất nhập cảnh) được ban hành năm 1991, hoặc người nước ngoài sở hữu loại thị thực này.

 

◆ Tư cách lưu trú có thời hạn (5 năm, 3 năm, 1 năm, hoặc 6 tháng. Có thể gia hạn nếu đáp ứng đủ điều kiện)  
  ・Vợ/chồng/con của công dân Nhật Bản (日本人の配偶者等):Người nước ngoài kết hôn với công dân Nhật Bản, hoặc được sinh ra là con của công dân Nhật Bản.
  ・Vợ/chồng/con của người có visa vĩnh trú (永住者の配偶者等): Người nước ngoài kết hôn với người có visa vĩnh trú, hoặc được sinh ra là con của người có visa vĩnh trú.
  ・Định trú (定住者):Người nước ngoài được phép cư trú đặc biệt dựa trên từng trường hợp cụ thể (ví dụ: người gốc Nhật, người tị nạn).

 

 Khác với các visa lao động thông thường, người nước ngoài sở hữu visa mibun-kei sẽ không bị giới hạn về nội dung công việc và ngành nghề. Do đó, họ có thể tham gia vào nhiều loại hình công việc, từ lao động phổ thông như làm việc trong dây chuyền sản xuất tại nhà máy, phục vụ tại nhà hàng, bán hàng, vệ sinh, cho đến các công việc chuyên môn như kỹ sư IT, thiết kế, phiên dịch,…
 Chính tính linh hoạt này khiến người có visa mibun-kei trở thành lựa chọn rất lý tưởng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản muốn tuyển dụng lao động nước ngoài. Đặc biệt, vì họ có thể được tuyển dụng cho cả những công việc không yêu cầu kỹ năng chuyên môn, nên những người nước ngoài thuộc dạng visa này được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn lao động quý giá trong các ngành nghề đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng.

 

Lợi ích đối với doanh nghiệp

 1.Tuyển dụng nhân sự được cho nhiều loại công việc
 Không giống như visa lao động thông thường, visa dạng mibun-kei không giới hạn ngành nghề và nội dung công việc, do đó doanh nghiệp có thể tuyển dụng cho nhiều bộ phận khác nhau.
 Ví dụ, người nước ngoài có visa dạng mibun-kei này có thể làm việc với tư cách là nguồn nhân lực chủ chốt trong ngành dịch vụ, sản xuất, và nhiều lĩnh vực khác nhau,…

 2.Không bị giới hạn thời gian lao động 
 Không giống như du học sinh hay người có visa gia đình, người có visa dạng mibun-kei sẽ không bị giới hạn về thời gian làm việc nên hoàn toàn có thể làm việc full-time cho doanh nghiệp.

 3.Có khả năng lao động lâu dài 
 Nếu gia hạn visa, người lao động dạng này có thể làm việc lâu dài tại công ty. Hơn nữa, nếu xin được vĩnh trú thì họ sẽ còn trở thành nguồn nhân lực ổn định hơn nữa.

 

Chú ý

 Khi tuyển dụng người nước ngoài có thị thực cư trú có thời hạn (như vợ/chồng của công dân Nhật Bản, vợ/chồng của visa vĩnh trú, visa định trú), Công ty cần quản lý và xác nhận xem thời hạn visa của họ có sắp hết hạn hay không.

 Nếu người lao động nước ngoài bị quá hạn thị thực thì sẽ trở thành người cư trú bất hợp pháp, việc tiếp tục sử dụng lao động đó có thể khiến công ty bị truy tố về tội tiếp tay cho lao động bất hợp pháp.

 Vì vậy, khi thời hạn thị thực sắp hết, công ty nên thông báo cho người lao động về việc gia hạn thị thựcxác nhận thẻ cư trú của họ.

 

 Lao động người nước ngoài có tư cách lưu trú dạng mibun-kei có thể đảm nhiệm nhiều loại công việc và là nguồn nhân lực quý giá đối với doanh nghiệp.

 Tuy nhiên, khi tuyển dụng, công ty cần chú ý đến điều kiện sống và điều kiện làm việc thực tế của họ để đảm bảo phát huy được khả năng của người lao động mức tối đa.

 Nếu quý công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi!

Dành cho nhân viên mới:Tiền mà công ty và nhân viên phải trả

2024.12.09

Những khoản tiền nào mà công ty và nhân viên cùng chi trả một nửa? Có phải thuế cư trú cũng được chia đôi như vậy không?

 Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta khi đi làm, nhìn vào bảng lương và tự hỏi: “Sao nhiều tiền thế này mà lại biến mất hết nhỉ?”. Bài viết này sẽ giải thích về những khoản tiền mà công ty và nhân viên cùng chi trả, đặc biệt là làm rõ xem thuế cư trú có được chia đôi hay không.

Khoản tiền nào mà công ty và nhân viên cùng chi trả?

Đại diện tiêu biểu nhất cho những khoản tiền mà công ty và nhân viên cùng chi trả chính là phí bảo hiểm xã hội (社会保険). Phí bảo hiểm xã hội là khoản tiền bảo hiểm để hỗ trợ một phần chi phí y tế khi ốm đau, tai nạn, và hỗ trợ chế độ lương hưu cho cuộc sống về già.

Các loại bảo hiểm xã hội chính:

  • Bảo hiểm y tế: 健康保険: Khi bị ốm hoặc tai nạn, nhà nước và công ty sẽ hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh.
  • Bảo hiểm lương hưu: 厚生年金保険: Chế độ để nhận lương hưu khi về già, trợ cấp tàn tật, trợ cấp cho gia quyến của người lao động trong trường hợp người lao động tử vong.
  • Bảo hiểm chăm sóc: 介護保険: Chế độ để nhận dịch vụ chăm sóc (kaigo) khi cần thiết. Áp dụng cho người từ 40 tuổi trở lên.

Với các loại tiền bảo hiểm được nêu trên đây, công ty và người lao động sẽ cùng đóng (chia đôi số tiền bảo hiểm). 

Thuế thị dân (住民税) thì có chia đôi không? 

Về nguyên tắc, thuế cư trú là loại thuế do người lao động tự chi trả toàn bộ.

 Thông thường, công ty sẽ khấu trừ thuế thị dân trực tiếp từ tiền lương của nhân viên và nộp thay cho họ lên chính quyền thành phố, quận hoặc huyện. Cách làm này được gọi là “thu thuế đặc biệt” (特別徴収). Chính vì vậy, thoạt nhìn có vẻ như công ty đang gánh vác khoản thuế này, nhưng thực chất người lao động mới là người chi trả.

Tóm tắt

Loại tiền Người phải nộp tiền
Tiền bảo hiểm xã hội Công ty và người lao động chia đôi tiền
Thuế thị dân (thuế cư trú) Người lao động chịu toàn bộ tiền thuế

Bảo hiểm xã hội là khoản tiền mà công ty và nhân viên cùng đóng góp để dự phòng rủi ro như ốm đau, tai nạn, và tuổi già. Ngược lại, thuế cư trú là loại thuế đánh vào thu nhập cá nhân, do người lao động chi trả toàn bộ.

Một số khoản tiền khác

  • Bảo hiểm thất nghiệp (雇用保険): Bảo hiểm thất nghiệp cũng là loại bảo hiểm do công ty và người lao động cùng đóng góp, tuy nhiên tỷ lệ đóng sẽ khác so với bảo hiểm y tế và bảo hiểm hưu trí. (Công ty trả phần lớn chứ không phải chia đôi)
  • Bảo hiểm tai nạn lao động (労災保険): Bảo hiểm tai nạn lao động là loại bảo hiểm do công ty chi trả toàn bộ, nhằm bảo vệ người lao động khi gặp tai nạn hoặc mắc bệnh nghề nghiệp.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về phí bảo hiểm xã hội và thuế cư trú, vui lòng liên hệ với công ty của bạn, hoặc văn phòng hưu trí, văn phòng bảo hiểm xã hội, hoặc phòng thuế của thành phố, quận hoặc huyện gần nhất.

Visa 技術・人文知識・国際業務 là visa gì?

2024.12.09

 Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, sự đóng góp của nhân lực nước ngoài đã trở nên không thể thiếu đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Để thu hút được những nhân tài sở hữu trình độ chuyên môn cao và tầm nhìn quốc tế, thị thực “Kỹ thuật – Nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế” (「技術・人文知識・国際業務」) đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

1. Khái lược về visa 技術・人文知識・国際業務

 Tư cách lưu trú  “Kỹ thuật – Nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế” (技術・人文知識・国際業務) (viết tắt là “技人国” – Gijinkoku) là tư cách cho phép người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản bằng cách sử dụng kiến thức và kỹ năng chuyên môn của mình.
 Tư cách lưu trú này áp dụng cho những người làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, công việc đòi hỏi kiến thức nhân văn, hoặc công việc liên quan đến nghiệp vụ quốc tế.
 Cụ thể, visa này áp dụng cho người nước ngoài làm việc trong các ngành nghề sau:

◆Lĩnh vực kỹ thuật(技術): Kỹ sư IT, phát triển hệ thống, thiết kế máy móc, và các công việc kỹ thuật chuyên môn khác.

◆Lĩnh vực nhân văn(人文知識): Các công việc sử dụng kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh, luật, kế toán, marketing, v.v.

◆Lĩnh vực nghiệp vụ quốc tế(国際業務): Phiên dịch, biên dịch, kinh doanh thương mại, giáo viên ngoại ngữ, và các công việc đòi hỏi kỹ năng ngoại ngữ và hiểu biết về văn hóa nước ngoài.

 

2. Thời gian lưu trú

 Thời hạn lưu trú của visa “Kỹ thuật – Nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế” sẽ là “5 năm”, “3 năm”, “1 năm” hoặc “3 tháng” tùy thuộc vào kết quả xét duyệt.
 Đương nhiên, nếu người nước ngoài làm thủ tục gia hạn trước khi hết hạn lưu trú thì hoàn toàn có thể tiếp tục lưu trú và làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, khi gia hạn, bạn cần chứng minh rằng mình vẫn đáp ứng các điều kiện của visa.
 ※Lưu ý: Về nguyên tắc, bạn có thể bắt đầu thủ tục gia hạn từ 3 tháng trước khi hết hạn lưu trú hiện tại.

 

3. 主な取得条件

 Để xin được thị thực “Kỹ thuật – Nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế”, bạn cần đáp ứng những điều kiện chính sau đây.
 (※ Tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể sẽ phát sinh những yêu cầu khác nữa)

  ① Bản thân người xin thị thực phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn
    ・Tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, hoặc trường senmon (chỉ áp dụng cho trường chuyên môn tại Nhật Bản) trong lĩnh vực liên quan.
    ・Hoặc có kinh nghiệm thực tế từ 10 năm trở lên (đối với lĩnh vực Nghiệp vụ quốc tế là từ 3 năm trở lên).

  ② Nội dung công việc phải liên quan đến chuyên môn của người xin visa

  ③ Mức lương phải bằng hoặc cao hơn so với người Nhật làm công việc tương tự
    Lấy lí do người lao động là người nước ngoài nên trả lương thấp hơn là điều không được cho phép.

  ④ Người xin visa tuân thủ tốt pháp luật trong thời gian lưu trú tại Nhật
    Việc tuân thủ pháp luật trong thời gian học tập tại trường Đại học, trường senmon, v.v. cũng là đối tượng xét duyệt.
    Ví dụ, nếu du học sinh làm thêm quá tiếng (overwork) trong thời gian đi học thì có khả năng sẽ ảnh hưởng tới việc xin visa.

 

4. Chú ý

 Về nguyên tắc, người nước ngoài có visa “Kỹ thuật – Nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế” không được phép làm những công việc lao động phổ thông.
 Lao động phổ thông là những công việc không yêu cầu kiến thức chuyên môn. Còn visa này được cấp cho những người có chuyên môn, kỹ năng để làm những công việc mang tính chất chuyên môn. Vì vậy, những công việc như làm việc trên dây chuyền sản xuất tại nhà máy, phục vụ khách hàng tại nhà hàng, dọn phòng khách sạn, v.v. được coi là lao động phổ thông và không được phép.
 Ngoài ra, nếu trong trường hợp thời gian đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên mới có bao gồm các công việc lao động phổ thông thì doanh nghiệp cũng nên tham khảo ý kiến của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh trước.

 Visa “Kỹ thuật – Nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế” (技術・人文知識・国際業務) là một trong những loại visa vô cùng quan trọng đối với người nước ngoài mong muốn làm việc tại Nhật Bản. Khi sở hữu visa này, người nước ngoài có thể đảm nhận các công việc mang tính chất chuyên môn cao và xây dựng một cuộc sống ổn định, lâu dài tại Nhật Bản. Tuy nhiên, do điều kiện và thủ tục xin visa đôi khi khá phức tạp nên nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với các chuyên gia để được tư vấn cụ thể và chính xác hơn.

Nếu quý công ty có nhu cầu tư vấn về việc tuyển dụng người nước ngoài, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi!

Kỳ thi tiếng Nhật Thương mại BJT – ビジネス日本語能力テスト

2024.12.08

 Kỳ thi tiếng Nhật Thương mại BJT (ビジネス日本語能力テスト)(Business Japanese Proficiency Test)là kỳ thi được thiết kế để đánh giá và đo lường một cách khách quan kỹ năng giao tiếp tiếng Nhật cần thiết trong môi trường kinh doanh, dành cho những người không phải là người bản ngữ. Bài kiểm tra này do Quỹ Năng lực Hán tự Nhật Bản tổ chức.

 

Đặc điểm của kỳ thi

 ◆Đánh giá một cách tổng quát: BJT không có đánh giá “Đỗ/Trượt”, mà sử dụng thang điểm từ 0 đến 800, cùng với 6 cấp độ từ J5 đến J1+ để đánh giá năng lực của người thi. Điều này cho phép thí sinh nắm bắt chi tiết năng lực tiếng Nhật thương mại của mình.

 ◆Chuyên biệt cho môi trường kinh doanh:Nội dung bài thi được thiết kế dựa trên các tình huống thực tế trong công việc, chẳng hạn như họp hành, đàm phán, trao đổi qua điện thoại, từ đó đánh giá khả năng sử dụng tiếng Nhật thực tế của thí sinh.

 

Cấu trúc bài thi

 Bài thi BJT bao gồm 3 phần sau:

      1. Phần Nghe hiểu (聴解部門):Đánh giá khả năng nghe hiểu trong môi trường kinh doanh thông qua các dạng câu hỏi như nắm bắt tình huống, nghe hiểu lời nói, nghe hiểu tổng hợp.

      2. Phần Nghe – Đọc hiểu (聴読解部門):Đo lường khả năng hiểu tổng hợp cả nghe và đọc thông qua các dạng câu hỏi như nắm bắt ngữ cảnh, nghe – đọc hiểu tài liệu, nghe – đọc hiểu tổng hợp.

      3. Phần Đọc hiểu (読解部門):Đánh giá khả năng đọc hiểu văn bản kinh doanh và vốn từ vựng thông qua các dạng câu hỏi như từ vựng – ngữ pháp, đọc hiểu biểu đạt, đọc hiểu tổng hợp.

Tiêu chuẩn đánh giá

 Kết quả bài thi BJT được đánh giá bằng thang điểm từ 0 đến 800, và được phân loại thành 6 cấp độ sau:

      • J1+(600~800 điểm): Có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Nhật trong mọi tình huống kinh doanh.

      • J1(530~599 điểm):Có khả năng giao tiếp phù hợp bằng tiếng Nhật trong nhiều tình huống kinh doanh.

      • J2(420~529 điểm):Có khả năng giao tiếp phù hợp bằng tiếng Nhật trong một số tình huống kinh doanh nhất định.

      • J3(320~419 điểm):Có khả năng giao tiếp ở mức độ nào đó bằng tiếng Nhật trong một số tình huống kinh doanh nhất định.

      • J4(200~319 điểm):Có khả năng giao tiếp tối thiểu bằng tiếng Nhật trong một số tình huống kinh doanh nhất định.

      • J5(0~199 điểm):Gần như không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật trong kinh doanh.

(Ảnh:Trích từ Trang web chính thức của kỳ thi)

Lợi ích khi tham gia kỳ thi

  ◆Thuận lợi cho việc xin thị thực cư trú:Điểm BJT được Cục Quản lý Xuất nhập cảnh công nhận là tiêu chuẩn chứng minh năng lực tiếng Nhật, giúp bạn có lợi thế khi xin visa ở Nhật.

  ◆Điểm cộng khi xin việc: Nếu đạt điểm cao, bạn sẽ có thể chứng minh năng lực giao tiếp tiếng Nhật trong công việc một cách hiệu quả với các nhà tuyển dụng Nhật Bản.

 

Hình thức dự thi

 BJT được thực hiện trên máy tính theo hình thức CBT (Computer Based Testing – Thi trên máy tính). Thí sinh sẽ ngồi trong máy thi riêng biệt và làm bài dựa trên đề bài hiển thị trên màn hình máy tính và nghe âm thanh qua tai nghe.

 Thời gian của kỳ thi

Tổng thời gian thi là khoảng 2 giờ. Thời gian chi tiết cho từng phần thi như sau:

      • Phần Nghe hiểu (聴解部門):Khoảng 50 phút

      • Phần Nghe – Đọc hiểu (聴読解部門):Khoảng 30 phút

      • Phần đọc hiểu (読解部門):Khoảng 40 phút

 Lệ phí thi

 Lệ phí thi tại Nhật Bản là 7.000 yên (đã bao gồm thuế). Lệ phí thi ở nước ngoài sẽ khác nhau tùy theo địa điểm thi, vui lòng xem thông tin chi tiết tại hướng dẫn thi của từng khu vực.

 Thi lại

 Sau khi thi BJT, bạn phải đợi 3 tháng mới được thi lại lần nữa.


 

 Bài kiểm tra năng lực tiếng Nhật thương mại BJTビジネス日本語能力テス là một công cụ hữu ích để đánh giá khách quan năng lực tiếng Nhật của bạn, và giúp bạn phát triển sự nghiệp tại Nhật Bản. Hãy thử sức với kỳ thi này nhé!

Giấy phép Kari-houmen không phải là tư cách lưu trú!

2024.12.07

Công ty tôi có thể tuyển dụng người đang được Phóng thích tạm thời (Kari-houmen) được không?

Phóng thích tạm thời (仮方面許可 – Kari houmen kyoka) là gì?

 Phóng thích tạm thời (Kari houmen) là một biện pháp tạm thời được áp dụng đối với người nước ngoài đang trong quá trình bị trục xuất theo Luật Quản lý Xuất nhập cảnh. Khi người nước ngoài đó có lý do chính đáng như ốm đau hoặc các trường hợp bất khả kháng khác, họ sẽ được tạm thời miễn giam giữ và trả tự do có điều kiện.

 

Có thể tuyển dụng người đang được phóng thích tạm thời không?

 Về nguyên tắc, người nước ngoài được cấp Giấy phép phóng thích tạm thời là người đang trong quá trình bị trục xuất. Vì vậy, họ không được phép làm việc. Mặt sau của Giấy phép phóng thích tạm thời thường có ghi điều kiện “Không được phép làm việc hoặc tham gia các hoạt động có thu nhập”. Do đó, doanh nghiệp sẽ không được tuyển dụng những người này.

 Nếu Giấy phép phóng thích tạm thời không có ghi điều kiện này, hoặc công ty không chắc chắn về việc có được phép tuyển dụng người đó hay không, hãy liên hệ với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh gần nhất để được tư vấn.

 Luật sửa đổi Luật Quản lý Xuất nhập cảnh được thông qua vào tháng 6/2023 đã bổ sung Chế độ Giám sát thay thế giam giữ (収容に代わる監理措置制度) . Cụ thể: Người nước ngoài đang trong quá trình bị trục xuất nhưng được áp dụng chế độ Giám sát có thể được phép làm việc trong một số trường hợp đặc biệt, với điều kiện đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt (ví dụ: phải có nơi làm việc cụ thể, mục đích làm việc là để duy trì cuộc sống,…), và chỉ được phép làm việc cho tới khi nhận được Lệnh trục xuất.
 Để biết người đó có được phép làm việc hay không, hãy kiểm tra thông tin trên Giấy thông báo quyết định áp dụng chế độ Giám sát (監理措置決定通知書) mà họ đang giữ. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh gần nhất.

Có được trừ tiền đi lại của nghỉ có lương không?

2024.12.06

Có được trừ tiền đi lại của ngày nghỉ phép có lương vào trợ cấp đi lại không?

 Về mặt pháp lý, công ty được phép trừ tiền tàu xe của những ngày nghỉ phép có lương vào trợ cấp đi lại. Tuy nhiên, công ty cần quy định rõ ràng điều này trong Nội quy lao động (就業規則-shuugyou kisoku) của công ty từ trước.

 Luật pháp không bắt buộc doanh nghiệp phải trả trợ cấp đi lại. Do đó, việc chi trả trợ cấp đi lại sẽ dựa trên quy định trong nội quy lao động.

 Nếu bạn muốn chỉ chi trả chi phí đi lại thực tế cho những ngày nhân viên đi làm, bạn có thể thêm vào nội quy lao động những quy định như sau:
【Ví dụ】
   ・Trợ cấp đi lại sẽ được trả dựa trên số ngày làm việc thực tế của nhân viên.
   ・Không trả trợ cấp đi lại cho những ngày nhân viên nghỉ phép có lương.