Lưu trữ của tác giả: zou-wp

Nhận được trợ cấp Shoubyou teate sau khi đã nghỉ việc?

2024.11.30

Tôi có thể nhận được trợ cấp Shoubyou teate (傷病手当金) sau khi đã nghỉ việc không?

 Về nguyên tắc cơ bản, trợ cấp ốm đau (Shoubyou teate kin –  傷病手当金) sẽ không được chi trả sau khi bạn nghỉ việc.

 Tuy nhiên, nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định, bạn vẫn có thể nhận được khoản trợ cấp này.

 

Các điều kiện để nhận trợ cấp ốm đau (Shoubyou teatekin) sau khi nghỉ việc: 

1. Nghỉ việc liên tục từ 3 ngày trước ngày nghỉ việc chính thức (退職日の前日までに連続して3日以上出勤せず、退職日も出勤していないこと)

 Bạn phải nghỉ việc liên tục từ 3 ngày trước ngày nghỉ việc chính thức và cả trong kết thúc hợp đồng đó, đồng thời có xác nhận của bác sỹ là bạn không thể làm việc trong thời gian này.
 ※Nếu bạn đi làm vào ngày nghỉ việc chính thức, bạn sẽ không đủ điều kiện để tiếp tục nhận trợ cấp ốm đau sau khi nghỉ việc.

2. Tham gia bảo hiểm y tế liên tục từ 1 năm trở lên (継続して1年以上の健康保険加入があること)

 Nếu bạn đã tham gia cùng một loại hình bảo hiểm y tế trong ít nhất 1 năm trước khi nghỉ việc, bạn có thể tiếp tục nhận trợ cấp ốm đau sau khi nghỉ việc. Nếu không đáp ứng điều kiện này, bạn sẽ khó nhận được trợ cấp sau khi nghỉ việc.

3. Tiếp tục không thể làm việc do các nguyên nhân bệnh tật mà đã nhận trợ cấp trước đó (退職日に傷病手当金を受給していた傷病で引き続き労務不能であること)

 Nếu bạn bắt đầu công việc mới hoặc có thu nhập sau khi nghỉ việc, bạn sẽ không được nhận trợ cấp ốm đau. Khi bạn có thể làm việc trở lại (không còn giấy chứng nhận của bác sĩ), việc chi trả trợ cấp sẽ kết thúc.

 

Thời gian chi trả trợ cấp

 Nếu đáp ứng đủ điều kiện, bạn có thể nhận trợ cấp ốm đau trong tối đa 1 năm 6 tháng, bao gồm cả thời gian đã nhận trợ cấp trước khi nghỉ việc.

Bảo hiểm tai nạn lao động:Đổi bệnh viện điều trị

2024.11.29

Trong quá trình điều trị dưới chế độ của bảo hiểm tai nạn lao động thì có thể thay đổi bệnh viện điều trị được không?

Có thể thay đổi được bệnh viện.
Tuy nhiên, tùy theo việc bệnh viện mà bạn muốn chuyển tới có phải là “Cơ sở y tế (Bệnh viện) được chỉ định cho tai nạn lao động” (労災指定医療機関 – ろうさいしていいりょうきかん) hay không mà thủ tục sẽ có sự thay đổi.

 

1. Chuyển từ Bệnh viện được chỉ định cho tai nạn lao động sang một Bệnh viện được chỉ định khác

 Nộp các tài liệu sau đây cho Bệnh viện mà bạn sẽ chuyển tới:

    • Trong trường hợp tai nạn trong khi làm việc (業務災害の場合): Biểu mẫu số 6 – Thông báo về thay đổi cơ sở y tế chỉ định để nhận trợ cấp điều trị y tế dưới dạng bồi thường điều trị. (療養補償給付たる療養の給付を受ける指定病院等(変更)届(様式第6号))
    • Trong trường hợp tai nạn trên đường đi làm/đi làm về (通勤災害の場合): Biểu mẫu số 16-4 – Thông báo về thay đổi cơ sở y tế chỉ định để nhận trợ cấp điều trị y tế. (療養給付たる療養の給付を受ける指定病院等(変更)届(様式第16号の4))

 Các tài liệu này có thể tải xuống từ trang web của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản. 厚生労働省

 

2. Chuyển từ Cơ sở y tế chỉ định cho tai nạn lao động sang cơ sở y tế không được chỉ định.

 Khi điều trị tại bệnh viên không được chỉ định, bạn cần tạm thời tự chi trả toàn bộ chi phí điều trị. Sau đó, hãy nộp các tài liệu sau đây đến Văn phòng Giám sát Tiêu chuẩn Lao động (労働基準監督署) để yêu cầu hoàn trả chi phí:

    • Trong trường hợp tai nạn trong khi làm việc (業務災害の場合): Giấy yêu cầu chi trả chi phí điều trị thuộc Trợ cấp Điều trị (療養補償給付たる療養の費用請求書)(Mẫu số 7)
    • Trong trường hợp tai nạn lao động trên đường đi làm/đi về:Giấy yêu cầu chi trả chi phí điều trị thuộc Trợ cấp Điều trị (療養給付たる療養の費用請求書)(Mẫu 16-5)

 Bạn có thể tải những giấy tờ này từ website của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Trang web

 

Chú ý:

  • Lấy giấy giới thiệu:Việc xin giấy giới thiệu từ cơ sở y tế ban đầu sẽ giúp quá trình điều trị tại cơ sở y tế mới diễn ra thuận lợi hơn.
  • Liên hệ với công ty:Một số giấy tờ xin hưởng bảo hiểm lao động có thể cần sự xác nhận của chủ doanh nghiệp. Hãy liên hệ với công ty trước khi chuyển viện để nắm rõ các thủ tục cần thiết.

Thực hiện đúng các bước trên sẽ giúp bạn tiếp tục nhận được trợ cấp bảo hiểm lao động sau khi chuyển viện.

Những chi phí bảo trì cần biết trước khi mua nhà

2024.11.29

 Sở hữu một ngôi nhà là ước mơ lớn của rất nhiều người, đồng thời cũng là một bước tiến quan trọng để có được sự ổn định lâu dài trong cuộc sống.
 Tuy nhiên, bên cạnh việc trả góp tiền vay mua nhà, bạn cũng cần phải dự trù kinh phí cho các khoản chi phí bảo trì khác. Hãy cùng tìm hiểu về những khoản chi phí phổ biến khi sở hữu một ngôi nhà để có kế hoạch tài chính phù hợp nhé.

 

 1. Thuế tài sản cố định (固定資産税 – Kotei shisanzei)

 Khi sở hữu nhà, bạn sẽ phải đóng thuế tài sản cố định hàng năm. Khoản thuế này được tính dựa trên giá trị thẩm định của ngôi nhà và đất đai, vì vậy sẽ có sự khác biệt tùy theo khu vực và giá trị bất động sản. Mức thuế thường vào khoảng 1.4% giá trị thẩm định, do đó, nếu giá trị bất động sản cao thì số tiền thuế phải nộp cũng sẽ lớn.
 Vì số tiền thuế có thể thay đổi mỗi năm, bạn nên lưu ý và dự trù khoản này trong ngân sách hàng năm của mình.

 

 2. Thuế quy hoạch đô thị (都市計画税 – Toshi keikakuzei)

 Ngoài thuế tài sản cố định, các bất động sản nằm trong khu vực quy hoạch đô thị còn phải chịu thêm một khoản thuế nữa, đó là thuế quy hoạch đô thị. Tuy số tiền thuế này thường ít hơn so với thuế tài sản cố định, nhưng nó cũng có thể trở thành một gánh nặng tài chính, đặc biệt là đối với những người sống ở thành phố.
 Mức thuế tối đa là 0.3% giá trị thẩm định của bất động sản, nhưng mức thuế cụ thể sẽ do chính quyền địa phương quy định.

 3. Chi phí sửa chữa và bảo trì

 Để duy trì ngôi nhà của bạn, việc sửa chữa và bảo trì định kỳ là điều không thể tránh khỏi. Theo thời gian, ngôi nhà sẽ xuống cấp, bạn sẽ cần phải sơn lại tường, sửa chữa mái nhà, thay thế các thiết bị vệ sinh,…
 Thông thường, chi phí sửa chữa nhà hàng năm được ước tính khoảng 1-2% giá trị căn nhà.

 

 4. Phí bảo hiểm

 Để bảo vệ ngôi nhà của bạn, việc tham gia các loại bảo hiểm như bảo hiểm động đất và bảo hiểm hỏa hoạn là rất quan trọng. Hầu hết các chủ sở hữu nhà đều tham gia bảo hiểm hỏa hoạn để bảo vệ ngôi nhà khỏi các rủi ro như hỏa hoạn, thiên tai (gió, bão, tuyết,…). Ngoài ra, do Nhật Bản thường xuyên xảy ra động đất nên việc tham gia bảo hiểm động đất cũng được khuyến khích.
 Phí bảo hiểm sẽ khác nhau tùy thuộc vào kết cấu và vị trí của ngôi nhà. Bạn nên xem xét và điều chỉnh lại hợp đồng bảo hiểm theo thời gian để đảm bảo quyền lợi của mình.

 

 5. Phí quản lý và phí sử dụng chung (đối với chung cư)

 Nếu bạn sở hữu một căn hộ chung cư, bạn sẽ phải trả phí quản lý và phí sử dụng chung hàng tháng. Các khoản phí này được sử dụng để duy trì, quản lý, vệ sinh tòa nhà, sửa chữa các thiết bị dùng chung,…
 Phí quản lý và phí sử dụng chung sẽ khác nhau tùy theo từng tòa nhà. Khi mua chung cư, bạn nên tìm hiểu kỹ về các khoản phí này và dự trù khả năng tăng giá trong tương lai.

 6. Chi phí cải tạo, sửa chữa (reform) nhà cửa

 Nếu bạn có kế hoạch sống lâu dài trong ngôi nhà của mình, việc dự trù chi phí cải tạo, sửa chữa nhà cửa là điều cần thiết. Ví dụ, bạn có thể muốn thay mới thiết bị nhà bếp, phòng tắm, hoặc cải tạo nhà ở cho phù hợp với người khuyết tật,… để đáp ứng nhu cầu thay đổi của cuộc sống và gia đình.

 Chi phí cải tạo sẽ khác nhau tùy thuộc vào hạng mục công trình. Lời khuyên là bạn nên chuẩn bị sẵn một khoản tiền để dành cho việc này.

 

 7. Chi phí sinh hoạt và bảo trì hàng ngày

 Để duy trì cuộc sống trong ngôi nhà, bạn chắc chắn không thể bỏ qua các chi phí sinh hoạt như tiền điện, tiền nước, tiền ga. Ngoài ra còn có các chi phí bảo trì thường xuyên khác như dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc sân vườn,…
 Đặc biệt, đối với nhà riêng có sân vườn, bạn sẽ cần phải tính đến chi phí và công sức cho việc cắt tỉa cây, chăm sóc cỏ,… Hãy nhớ đưa những khoản chi phí này vào ngân sách của bạn.

 

 8. Các biện pháp duy trì giá trị tài sản

 Giá trị của một ngôi nhà có thể giảm dần theo thời gian do sự hao mòn. Để giữ được giá trị bán lại (リセールバリュー – resale value) cao, bạn cần chú ý bảo trì định kỳ và giữ gìn vẻ đẹp bên ngoài của ngôi nhà. Ví dụ, bạn có thể sơn lại tường ngoài, thay thế các thiết bị cũ,… để duy trì giá trị của ngôi nhà trong tương lai.

 

 Sở hữu một ngôi nhà mang lại cho bạn sự tự do, an tâm và nhiều niềm vui, nhưng cũng đừng quên rằng đi kèm với nó là những chi phí bảo trì. Hãy ước tính kỹ lưỡng các khoản chi như thuế tài sản cố định, chi phí sửa chữa, phí bảo hiểm,… và lập kế hoạch tài chính trước để có thể duy trì một môi trường sống thoải mái lâu dài. 

 Hãy quản lý chi tiêu một cách hợp lý để gìn giữ ngôi nhà thân yêu của bạn nhé!

Những điểm cần lưu ý khi tuyển dụng sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp

2024.11.28

Công ty tôi đang cân nhắc tới việc tuyển dụng Du học sinh sắp tốt nghiệp. Chúng tôi nên chú ý những điều gì nhỉ?

Để đảm bảo việc tuyển dụng du học sinh được diễn ra thuận lợi, phía công ty nên lưu ý các điểm sau: 

1. Visa và các thủ tục liên quan

 Để làm việc tại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp, sinh viên quốc tế cần chuyển đổi sang visa phù hợp. Các loại visa thường được sử dụng cho sinh viên mới tốt nghiệp bao gồm: “Kỹ thuật – Nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế” (技術・人文知識・国際業務) , “Nhân lực chất lượng cao” (高度専門職), “Hoạt động đặc định 46” (特定活動 46 号) và “Tokutei ginou” (特定技能).

 Thủ tục xin và gia hạn visa có thể mất nhiều thời gian nên công ty nên bắt đầu tiến hành sớm. Ngoài ra, mỗi loại visa đều có những điều kiện khác nhau nên tốt nhất la công ty nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia như Luật sư Hành chính 行政書士 chẳng hạn.

 

2. Đánh giá năng lực tiếng Nhật và sự phù hợp với công việc

 Công ty nên xác định rõ mức độ yêu cầu về giao tiếp tiếng Nhật cho từng vị trí công việc và đánh giá xem ứng viên có đáp ứng được hay không. Ngoài ra, công ty cũng có thể xem xét tới việc cung cấp các khóa học hỗ trợ tiếng Nhật nếu cần thiết để giúp nhân viên mới hòa nhập công việc nhanh chóng.

 

3. Thấu hiểu sự khác biệt về văn hóa và sắp xếp thể chế để hỗ trợ

 Sự khác biệt về văn hóa và thói quen có thể sẽ gây ảnh hưởng đến công việc và giao tiếp nơi công sở. Do đó công ty nên tổ chức các buổi đào tạo về văn hóa, đồng thời tạo môi trường làm việc cởi mở để nhân viên người nước ngoài có thể chia sẻ và nhận được sự hỗ trợ khi gặp khó khăn.

 

4. Hỗ trợ cuộc sống và chỗ ở

 Du học sinh chưa quen với cuộc sống ở Nhật Bản có thể cần hỗ trợ tìm nhà ở và các vấn đề sinh hoạt khác. Do đó, công ty cũng nên xem xét về việc hỗ trợ bảo lãnh hoặc thuê nhà, khó khăn trong việc tìm người bảo lãnh và thuê nhà, đặc biệt là với du học sinh mới ra trường.

 

5. Kế hoạch về công nghiệp và hỗ trợ phát triển

 Hiện nay, có rất nhiều du học sinh mong muốn làm việc lâu dài và phát triển sự nghiệp tại Nhật Bản. Phía công ty nên trao đổi rõ ràng về điều kiện làm việc, chế độ thăng tiến, chương trình hỗ trợ phát triển nghề nghiệp để tạo sự an tâm cho các bạn nhân viên mới này.

 

6. Tư vấn các thủ tục cần thiết

 Các bạn sinh viên mới ra trường nói chung và du học sinh nói riêng thường không quen với các thủ tục về thuế, bảo hiểm xã hội… Do đó, khi làm các thủ tục, công ty nên có các hướng dẫn và cung cấp thông tin cần thiết để được thuận lợi hơn.

 

Sự hỗ trợ chân thành và thấu hiểu sâu sắc sẽ giúp tạo dựng mối quan hệ gắn kết với nhân viên người nước ngoài, đồng thời việc xây dựng một môi trường làm việc thân thiện sẽ giúp nhân viên cảm thấy thoải mái và được trân trọng, từ đó không chỉ giúp họ phát huy tối đa năng lực mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của công ty.

Cách thức xử lý khi mất thẻ ngoại kiều?

2024.11.27

Hôm trước em lỡ làm mất thẻ ngoại kiều Zairyu kado mất rồi. Giờ em phải làm sao ạ?

Nếu bạn không may bị mất thẻ lưu trú Zairyuu ka-do thì hãy làm theo các bước sau để được cấp lại nhé.

 1. Trình báo mất thẻ tại đồn cảnh sát:

 Trước hết, các bạn cần đến đồn cảnh sát gần nhất để trình báo mất thẻ.
 Sau khi tiếp nhận trình báo, cảnh sát sẽ cấp cho bạn Giấy chứng nhận tiếp nhận trình báo mất đồ (遺失届出証明書 – Ishitsu Todokede Shoumeisho). Hãy giữ cẩn thận giấy tờ này vì bạn sẽ cần dùng đến nó trong các bước tiếp theo.

 

 2. Xin cấp lại thẻ tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh:

Sau khi trình báo với cảnh sát, bạn cần đến Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (出入国在留管理局) nơi bạn cư trú để xin cấp lại thẻ. Các giấy tờ cần thiết bao gồm: 

① Đơn xin cấp lại thẻ lưu trú (こちらでダウンロードできます
② 01 ảnh thẻ
③ Giấy chứng nhận tiếp nhận trình báo mất đồ (遺失届出証明書 – Ishitsu Todokede Shoumeisho) được cảnh sát cấp ở mục 1
④ Hộ chiếu

Nếu bạn ủy quyền cho người khác làm thủ tục thay mình:

⑤ Giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người làm thủ tục thay (nếu người đó là người đại diện theo pháp luật của bạn). (nếu người đó là người đại diện theo pháp luật của bạn).
⑥ Giấy ủy quyền (nếu người đó làm thủ tục thay theo yêu cầu của bạn).

 Về cơ bản, các bạn sẽ được cấp lại thẻ trong ngày và cấp miễn phí.

 Thẻ ngoại kiều có thể nói là giấy tờ tùy thân quan trọng nhất đối với người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản nên các bạn hãy giữ gìn thẻ cẩn thận để tránh bị mất nhé. Nếu chẳng may bị mất thẻ thì hãy nhanh chóng làm thủ tục cấp lại thẻ nhé!

Phải làm gì khi xảy ra tai nạn giao thông?

2024.11.27

Tai nạn giao thông thật sự là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, nếu không may gặp phải, việc giữ bình tĩnh và xử lý đúng cách là vô cùng quan trọng.

Bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn các bước cần thực hiện khi gặp tai nạn giao thông và các thủ tục cần thiết sau đó.

 

1. Đảm bảo an toàn ngay sau tai nạn

Trước hết, các bạn cần ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Dù có bị hoảng loạn,  các bạn hãy hãy cố gắng bình tĩnh và làm theo các bước sau:

  • Di chuyển xe đến nơi an toàn:
    Nếu có thể, các bạn hãy di chuyển xe vào lề đường hoặc nơi an toàn để tránh gây cản trở giao thông và tai nạn tiếp theo. Bật đèn cảnh báo nguy hiểm và đặt biển báo tam giác để cảnh báo cho các phương tiện khác.
  • Kiểm tra người bị thương:
    Kiểm tra xem bản thân, người đi cùng và người liên quan có bị thương không. Nếu có người bị thương, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

 

2. Báo cảnh sát

Theo luật pháp Nhật Bản, khi xảy ra tai nạn giao thông, bạn bắt buộc phải báo cảnh sát, dù tai nạn lớn hay nhỏ.

  • Gọi 110: Cung cấp thông tin về vị trí tai nạn, tình hình, và số lượng người bị thương (nếu có).
  • Yêu cầu khám nghiệm hiện trường: Cảnh sát sẽ đến hiện trường để xác minh vụ việc. Hãy yêu cầu cảnh sát lập “Biên bản tai nạn giao thông” (「交通事故証明書」), đây là giấy tờ cần thiết để yêu cầu bảo hiểm.

 

3. Trao đổi thông tin với đối phương

Sau tai nạn, hãy thu thập thông tin và trao đổi liên lạc với người liên quan.

  • Ghi lại thông tin: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, biển số xe của đối phương.
  • Thông tin bảo hiểm: Trao đổi thông tin liên lạc của công ty bảo hiểm hai bên.
  • Chụp ảnh làm bằng chứng: Chụp ảnh hiện trường, thiệt hại của xe để làm bằng chứng khi cần thiết.

 

4. Liên hệ với công ty bảo hiểm

Thông báo cho công ty bảo hiểm của bạn ngay sau tai nạn. Họ sẽ hỗ trợ bạn xử lý các thủ tục và yêu cầu bồi thường.

  • Mô tả vụ tai nạn: Cung cấp thông tin chính xác về tình hình tai nạn và thiệt hại.
  • Nộp Biên bản tai nạn giao thông (事故証明書): Sau khi nhận được Biên bản tai nạn giao thông từ cảnh sát, hãy nộp cho công ty bảo hiểm để tiến hành các thủ tục bồi thường.

 

5. Các thủ tục sau tai nạn

Việc xử lý tai nạn không dừng lại ở hiện trường, bạn sẽ cần thực hiện một số thủ tục sau đó.

  • Giấy chứng nhận của bác sĩ: Nếu bạn bị thương, hãy đến bác sĩ để khám và xin giấy chứng nhận để làm thủ tục yêu cầu bồi thường.
  • Thương lượng hòa giải: Bạn và đối phương sẽ tiến hành thương lượng về các khoản bồi thường. Công ty bảo hiểm sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình này.
  • Yêu cầu bồi thường thiệt hại tinh thần: Nếu bạn bị thương hoặc chịu tổn thất tinh thần, bạn có thể yêu cầu bồi thường. Hãy trao đổi với công ty bảo hiểm để được hướng dẫn.

 

6. Phòng tránh tai nạn giao thông

Để phòng tránh tai nạn giao thông, hãy lưu ý những điểm sau khi lái xe:

  • Lái xe an toàn: Chạy xe với tốc độ vừa phải, luôn quan sát xung quanh.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Mệt mỏi sẽ làm giảm khả năng tập trung. Hãy nghỉ ngơi thường xuyên khi lái xe đường dài.
  • Dự đoán nguy hiểm: Quan sát và dự đoán tình huống giao thông để giảm thiểu rủi ro tai nạn.

 Khi chẳng may gặp tai nạn giao thông, điều quan trọng là phải bình tĩnh xử lý. Thực hiện đúng các bước và thủ tục cần thiết sẽ giúp bạn tránh được những rắc rối sau này. Và quan trọng hơn hết, hãy luôn chú ý an toàn khi tham gia giao thông để phòng tránh tai nạn xảy ra nhé!

Chi phí chuyển nhà ở Nhật

2024.11.26

 Chuyển nhà là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới, nhưng quá trình này kéo theo nhiều loại chi phí. Để việc chuyển nhà diễn ra suôn sẻ, các bạn nên nắm rõ các khoản chi phí để chuẩn bị trước.
 Dưới đây là các mục chi phí chính liên quan đến việc chuyển nhà để các bạn tham khảo nhé!

 

1. Chi phí thuê dịch vụ chuyển nhà

 Chi phí thuê dịch vụ chuyển nhà thay đổi đáng kể tùy thuộc vào lượng đồ đạc, khoảng cách di chuyển và thời điểm chuyển nhà. Đặc biệt, chi phí sẽ cao hơn vào mùa cao điểm (tháng 3 – tháng 4) hoặc cuối tuần.

 ◆Ước tính chi phí:
 ・Chuyển nhà ở khoảng cách ngắn thường sẽ vào: khoảng 3 man – 10 man yên.
 ・Chuyển nhà đường dài hoặc nhiều đồ đạc: có thể từ 10 man – 20 man yên.

 ◆Cách giảm chi phí:
 ・Chuyển nhà vào ngày thường.
 ・Dọn dẹp và phân loại đồ đạc trước.
 ・So sánh giá giữa nhiều công ty để tìm dịch vụ hợp lý.

 

2. Tiền đặt cọc (shiki-kin) và tiền lễ (reikin)

Khi thuê nhà mới, bạn có thể phải trả tiền đặt cọc shiki-kin và tiền lễ reikin cho chủ nhà.

 ◆敷金 (Tiền đặt cọc – shiki kin)
 ・Thường bằng 1-2 tháng tiền thuê nhà.
 ・Số tiền này có thể được hoàn lại sau khi khấu trừ chi phí sửa chữa khi trả nhà.

 ◆礼金 (Tiền lễ – reikin)
 Đây là tiền để cảm ơn chủ nhà, thường khoảng 1- 2 tháng tiền thuê nhà và sẽ không được hoàn lại.
 Tuy nhiên, gần đây cũng có nhiều căn nhà không yêu cầu tiền lễ này. Do đó, khi chọn nhà các bạn cũng nên cân nhắc lựa chọn để phù hợp với nhu cầu và điều kiện tài chính của bản thân nhé.

 

3. Phí môi giới bất động sản

     Khi ký hợp đồng thuê nhà, bạn sẽ cần trả phí môi giới cho công ty bất động sản. Mức phí này thường dao động từ 0.5 đến 1 tháng tiền thuê nhà.
     Hiện nay, có nhiều bất động sản giảm hoặc miễn phí môi giới nên hãy kiểm tra trước để tiết kiệm chi phí nhé!

     

    4. Các chi phí ban đầu khi chuyển đến nhà mới

    Khi bắt đầu cuộc sống tại nhà mới, các bạn có lẽ sẽ cần chuẩn bị một số chi phí như sau.

    • Chi phí hợp đồng điện, gas, nước:
       Thường mất vài ngàn yên cho phí bảo đảm hoặc phí dịch vụ ban đầu.
    • Chi phí lắp đặt internet:
       Chi phí ban đầu từ 1 – 3 man yên, tùy thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ. (Tuy nhiên, có một số chương trình khuyến mãi có thể miễn phí lắp đặt.)

     

     

    5. Chi phí mua đồ nội thất và thiết bị gia dụng

       Chi phí mua đồ nội thất và thiết bị gia dụng là một khoản chi lớn khi chuyển nhà, đặc biệt là khi bắt đầu sống một mình.

      • Ước tính chi phí
         Với một người sống một mình thì chi phí sẽ rơi vào khoảng 10 man – 20 man yên cho các thiết bị cơ bản như tủ lạnh, máy giặt, giường. Còn với hộ gia đình thì chi phí sẽ cao hơn tùy vào quy mô và nhu cầu.

       

      6. Các khoản chi phí nhỏ khác khi chuyển nhà

      Tuy đều là những khoản tiền nhỏ, nhưng nếu cộng lại cũng sẽ khá tốn kém.

      • Chi phí thùng carton và vật liệu đóng gói: Khoảng 1,000 – 3,000 yên. Tuy nhiên, bạn có thể mua hoặc tận dụng thùng carton từ dịch vụ chuyển nhà.
        • Chi phí vệ sinh, dọn dẹp:
           Khi trả nhà, bạn có thể phải chi trả phí dọn dẹp hoặc phục hồi hiện trạng. Nếu có nuôi thú cưng hoặc sống lâu tại nhà cũ, chi phí này có thể tăng cao.

         

        7. Chi phí phát sinh sau khi chuyển nhà

        • Thủ tục thay đổi địa chỉ:  Các thủ tục này là miễn phí nhưng cần tốn thời gian và chi phí đi lại khi thay đổi địa chỉ trên giấy tờ, ngân hàng, bằng lái xe.
        • Mua đồ dùng mới hoặc đồ lưu trữ: Các bạn cũng nên dự trù các khoản chi nhỏ để mua giá để đồ, rèm cửa, vật dụng trang trí,…

         

        Tóm tắt

        Khoản chi phí Ước tính chi phí  Ghi chú
        Chi phí thuê dịch vụ chuyển nhà 30,000~100,000 yên (chuyển nhà gần)
        100,000~200,000 yên trở lên (chuyển nhà xa)
        Thay đổi tùy theo lượng đồ đạc, khoảng cách và thời điểm. Chuyển nhà vào ngày thường hoặc lấy báo giá từ nhiều công ty có thể giảm chi phí.
        Tiền đặt cọc và tiền cảm ơn Tiền đặt cọc: 1~2 tháng tiền thuê nhà
        Tiền cảm ơn: 1~2 tháng tiền thuê nhà
        Tiền đặt cọc có thể được hoàn lại sau khi trừ chi phí sửa chữa khi trả nhà. Tiền cảm ơn không được hoàn lại.
        Phí môi giới 0.5~1 tháng tiền thuê nhà Có những bất động sản giảm phí môi giới, nên kiểm tra trước để tiết kiệm chi phí.
        Chi phí hợp đồng điện, gas, nước Khoảng vài nghìn yên Có thể phát sinh phí bảo đảm hoặc phí dịch vụ khi ký hợp đồng.
        Chi phí lắp đặt internet 10,000~30,000 yên Một số nhà cung cấp dịch vụ có chương trình miễn phí lắp đặt trong các chiến dịch khuyến mãi.
        Chi phí mua đồ nội thất và gia dụng Người sống một mình: 100,000~200,000 yên
        Gia đình: từ 200,000 yên trở lên
        Bao gồm các thiết bị cơ bản như tủ lạnh, máy giặt, giường ngủ, v.v.
        Chi phí mua thùng carton và vật liệu đóng gói 1,000~3,000 yên Có thể tự mua hoặc sử dụng thùng carton do công ty chuyển nhà cung cấp.
        Chi phí vệ sinh, dọn dẹp Vài man trở lên Chi phí có thể tăng cao nếu có nuôi thú cưng hoặc sống lâu tại nhà cũ.
        Chi phí phát sinh sau khi chuyển nhà Miễn phí (cho các thủ tục) + chi phí di chuyển, mua sắm đồ đạc lưu trữ Bao gồm thay đổi địa chỉ trên giấy tờ, mua sắm vật dụng lưu trữ hoặc đồ trang trí.

         

         Chuyển nhà thường đi kèm với nhiều khoản chi phí, nhưng đừng để điều đó làm bạn nản lòng. Việc lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng, chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp bạn kiểm soát ngân sách hiệu quả và tận hưởng trọn vẹn niềm vui trong ngôi nhà mới!

        【Luật sửa đổi 10/2024!!!】Mở rộng phạm vi tham gia bảo hiểm xã hội

        2024.11.25

         Từ tháng 10 năm 2024, phạm vi áp dụng của bảo hiểm xã hội sẽ được mở rộng đối với đối tượng người làm việc bán thời gian và làm thêm giờ (part-time và arubaito).

         Cụ thể, chúng ta cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!

         

        1.Bảo hiểm xã hội (Shakai hoken – 社会保険) là gì?

         Bảo hiểm xã hội (Shakai hoken) là tên gọi chung cho các loại bảo hiểm như bảo hiểm y tế, bảo hiểm lương hưu phúc lợi (kosei nenkin), bảo hiểm chăm sóc dài hạn (kaigo hoken), bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động (rousai hoken), và bảo hiểm thất nghiệp (koyou hoken).

         Trong đó, khi nhắc đến “bảo hiểm xã hội” theo nghĩa hẹp thì chúng ta thường hiểu đó là bảo hiểm y tế, bảo hiểm lương hưu phúc lợi (kosei nenkin), và bảo hiểm chăm sóc dài hạn (kaigo hoken).

         

         Bảo hiểm xã hội là một chế độ bắt buộc áp dụng cho người lao động đáp ứng các điều kiện nhất định, và doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm cho nhân viên của mình.

         Trước đây, chế độ này chủ yếu áp dụng cho nhân viên làm việc toàn thời gian (full-time), nhưng hiện nay, ngay cả những lao động bán thời gian hoặc làm thêm giờ (part-time và arubaito) cũng có thể trở thành đối tượng tham gia nếu đáp ứng các điều kiện cần thiết.

         

        2.Từ 10/2024: Mở rộng đối tượng tham gia và doanh nghiệp phải tham gia

         Trước đây, chế độ này chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có từ 501 nhân viên trở lên, nhưng từ tháng 10 năm 2022, đã được mở rộng xuống các doanh nghiệp có từ 101 nhân viên trở lên.
         Từ tháng 10 năm 2024, các doanh nghiệp có từ 51 nhân viên trở lên cũng sẽ được đưa vào phạm vi áp dụng.

        (Ảnh từ Trang chủ của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản)

         

        Các doanh nghiệp cần phải tham gia

        • Số nhân viên được tính dựa trên số lượng lao động thuộc đối tượng áp dụng bảo hiểm lương hưu phúc lợi (kousei nenkin) tại doanh nghiệp đó (bao gồm nhân viên làm việc toàn thời gian và nhân viên có thời gian làm việc hàng tuần từ 3/4 thời gian làm việc toàn thời gian trở lên).
        • Những lao động làm việc bán thời gian tại các doanh nghiệp có từ 51 nhân viên trở lên sẽ trở thành đối tượng mới tham gia bảo hiểm xã hội nếu đáp ứng các điều kiện cần thiết.

          (Ảnh từ Trang chủ của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản)

        3.Đối tượng cần gia nhập bảo hiểm xã hội

        Các lao động làm việc bán thời gian đáp ứng đầy đủ 5 điều kiện dưới đây sẽ trở thành đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội:

            1. Thời gian làm việc cố định mỗi tuần từ 20 giờ trở lên.
            2. Tiền lương cố định hàng tháng từ 88,000 yên trở lên.
            3. Dự kiến thời gian làm việc sẽ kéo dài hơn 2 tháng.
            4. Không phải là học sinh, sinh viên.
            5. Làm việc tại doanh nghiệp có từ 51 nhân viên trở lên.

         

        4.Lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội

          1. Tăng số tiền lương hưu nhận được trong tương lai
             Khi tham gia bảo hiểm lương hưu phúc lợi (kousei nenkin), ngoài lương hưu cơ bản, phần lương hưu tỉ lệ theo thu nhập cũng được cộng thêm, giúp tăng số tiền lương hưu mà bạn có thể nhận được trong tương lai.
          2. Bảo đảm tốt hơn cho trường hợp người lao động bị khuyết tật và qua đời
             Bạn sẽ được hưởng các chế độ mà bảo hiểm hưu trí quốc dân không có, như lương hưu khuyết tật phúc lợi (áp dụng cả cho trường hợp khuyết tật cấp 3) và lương hưu thân nhân phúc lợi.
          3. Hoàn thiện bảo hiểm y tế
             Khi nghỉ việc do bệnh tật, tai nạn hoặc sinh con, bạn sẽ nhận được tiền trợ cấp nghỉ ốm hoặc trợ cấp thai sản tương đương 2/3 mức lương.
          4. Công ty chi trả một nửa chi phí bảo hiểm
             Với bảo hiểm lương hưu phúc lợi và bảo hiểm y tế, công ty sẽ chi trả 50% phí bảo hiểm, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho cá nhân.

         Việc mở rộng phạm vi áp dụng bảo hiểm xã hội, được thực thi từ tháng 10 năm 2024, là một sửa đổi quan trọng giúp nâng cao đáng kể quyền lợi của người lao động bán thời gian. Đối với các doanh nghiệp, thay đổi này đòi hỏi phải xác định rõ các nhân viên thuộc đối tượng áp dụng và tiến hành các thủ tục cần thiết một cách phù hợp.

         Mặt khác, đối với người lao động, môi trường làm việc sẽ trở nên an toàn hơn và đảm bảo vững chắc hơn cho tương lai của các bạn. Do đó, cả doanh nghiệp và người lao động đều cần hiểu rõ và áp dụng hiệu quả chế độ trong thời gian tới.

        Các chế độ hỗ trợ khi nghỉ việc do bị bệnh

        2024.11.19

        Nếu em nghỉ việc vì bệnh thì có các chế độ tiền hỗ trợ gì không ạ?

        Khi bạn phải nghỉ việc dài hạn vì lý do sức khỏe, có một số chế độ hỗ trợ sinh hoạt phí và chi phí y tế sau đây:

        1. Hỗ trợ sinh hoạt: Trợ cấp ốm đau (傷病手当金 – Shoubyou teatekin)
         Trợ cấp ốm đau (傷病手当金 – Shoubyouteatekin) sẽ được chi trả bởi Hiệp hội Kenpo (協会けんぽ – Kyokai Kenpo) cho người lao động phải nghỉ việc dài hạn do ốm đau, bệnh tật hoặc tai nạn không liên quan đến công việc và tai nạn lao động.
         Thời gian: Trợ cấp được chi trả từ ngày thứ 4 của thời gian nghỉ việc. Ba ngày đầu tiên không được tính (bạn có thể sử dụng ngày nghỉ phép có lương nếu có).
         Số tiền: Bằng khoảng 60% mức lương trung bình hàng tháng của bạn. Toàn bộ số tiền trợ cấp này được miễn thuế.
         Về cơ bản, thủ tục này sẽ do công ty hỗ trợ thực hiện. Tuy nhiên bạn sẽ cần phải nộp giấy chứng nhận của bác sĩ. 

         

        2. Hỗ trợ chi phí y tế: Chế độ “chặn”  chi phí điều trị cao (高額療養費 – Kougaku ryouyouhi)
         Khi chi phí điều trị của bạn cao, bạn có thể được hoàn trả một phần từ bảo hiểm y tế thông qua chế độ “Chi trả chi phí điều trị cao (高額療養費 – Kougaku ryouyouhi)“.

        Số tiền được hoàn trả sẽ được tính toán dựa trên cấp bậc bảo hiểm xã hội của bạn. Tuy nhiên, bạn cần sẽ phải chủ động thực hiện các thủ tục cần thiết và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo quy định.

         

        3. Khấu trừ chi phí y tế (医療費控除 – Iryouhi Koujo)
          Nếu bạn đã chi trả các khoản chi phí y tế trong năm, bạn có thể khai báo những khoản này để được giảm thuế thu nhập. Chế độ này được gọi là “Khấu trừ chi phí y tế”.

         Nói một cách đơn giản, bạn có thể được hoàn trả một phần thuế thu nhập đã đóng dựa trên số tiền chi phí y tế mà bạn đã chi trả.

         Để biết thêm chi tiết về điều kiện được hoàn thuế và cách thức kê khai, bạn có thể tham khảo trang web của Cơ quan Thuế Quốc gia.

         

        Các điểm cần chú ý:

        • Các mẫu đơn và giấy tờ cần thiết khi xin Trợ cấp ốm đau và Chế độ chi trả chi phí điều trị cao được quy định bởi Hiệp hội Kenpo (協会けんぽ – Kyokai Kenpo). Nếu thiếu giấy tờ, đơn xin của bạn có thể không được chấp nhận. Vì vậy, tốt nhất bạn nên liên hệ với Hiệp hội Kenpo để được hướng dẫn cụ thể.
        • Nếu bạn tham gia bảo hiểm y tế của tổ chức khác ngoài Hiệp hội Kenpo thì chế độ hỗ trợ và thủ tục có thể sẽ khác. Hãy liên hệ với tổ chức bảo hiểm của bạn để biết thêm chi tiết nhé.

        Thủ tục hành chính cần làm sau khi chuyển nhà

        2024.11.17

        Gần đây em mới chuyển nhà. Em cần phải làm các thủ tục hành chính nào ạ? 

        Sau khi chuyển nhà, các bạn cần thực hiện một số thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính địa phương. Việc thực hiện đầy đủ các thủ tục này sẽ giúp bạn bắt đầu cuộc sống mới thoải mái hơn. Dưới đây là giải thích về các thủ tục chính mà các bạn cần thực hiện sau khi chuyển nhà.

        Chuyển đổi địa chỉ ở trên shi/ku – 住民票の移動

        Sau khi chuyển nhà, việc đầu tiên các bạn cần làm là thực hiện thủ tục chuyển đổi địa chỉ trên shi/ku. Thủ tục này giúp địa chỉ mới của bạn được đăng ký chính thức, đảm bảo việc sử dụng các dịch vụ công cộng và thực hiện các thủ tục khác diễn ra thuận lợi.

          • Nếu các bạn chuyển nhà trong cùng 1 một shi/ku:
            Lên đăng ký địa chỉ mới tại shi/ku đó.
          • Nếu bạn chuyển nhà sang một địa phương khác (khác shi/ku):
              1. Lên shi/ku cũ để nộp Thông báo chuyển đi (転出届 – Tenshutsu todoke) và nhận giấy Chứng nhận chuyển đi (転出証明書- Tenshutsu shoumeisho)
              2. Sau khi chuyển nhà, các bạn tới shi/ku mới để làm thủ tục Thông báo chuyển tới (転入届 – Tennyuu todoke) và đăng ký địa chỉ mới.

        ※Các bạn cần thực hiện thủ tục này trong vòng 14 ngày kể từ ngày phát sinh thay đổi.

        Thay đổi địa chỉ trên thẻ My Number (個人番号カード) hoặc Thẻ thông báo (通知カード)

        Sau khi chuyển đổi địa chỉ trong sổ cư trú, bạn cần thực hiện thủ tục thay đổi địa chỉ trên thẻ My Number hoặc Thẻ thông báo. Nếu bạn sở hữu thẻ My Number, có thể làm thủ tục này cùng lúc khi nộp thông báo chuyển đến (転入届) tại shi/ku.

        Khi thủ tục thay đổi địa chỉ hoàn tất, địa chỉ mới sẽ được cập nhật và in trên thẻ của bạn. Điều này đảm bảo thông tin trên thẻ chính xác và sẵn sàng để sử dụng trong các dịch vụ công.

        Thay đổi địa chỉ trên Bảo hiểm Y tế Quốc dân (国民健康保険)

        Nếu bạn tham gia Bảo hiểm Y tế Quốc dân (国民健康保険) sau khi chuyển nhà, cần thực hiện thủ tục thay đổi địa chỉ.

          • Nếu các bạn chuyển nhà trong cùng 1 một shi/ku:
            Nộp Thông báo thay đổi địa chỉ của bảo hiểm y tế (住所変更届) tại shi/ku.
          • Nếu bạn chuyển nhà sang một địa phương khác (khác shi/ku):
            1. Tại shi/ku cũ: Thực hiện thủ tục Rút khỏi bảo hiểm (脱退手続き) .
            2. Tại shi/ku mới: Thực hiện thủ tục Đăng ký lại bảo hiểm (再加入手続き)

        Trong một số trường hợp, cần phải Tái cấp thẻ bảo hiểm y tế (健康保険証). Vì vậy, hãy thực hiện thủ tục này sớm sau khi chuyển nhà để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm được duy trì.

        Thay đổi địa chỉ trên bằng lái xe 

         Đây là một thủ tục rất quan trọng. Sau khi chuyển nhà, bạn hãy nhanh chóng tiến hành đổi địa chỉ tại Sở cảnh sát (警察署) hoặc Trung tâm cấp bằng lái xe (運転免許センター).
         Thường thì sẽ cần tới Juuminhyo mới hoặc thẻ My number.

        Thủ tục chuyển tiếp bưu phẩm

        Nếu làm thủ tục Chuyển tiếp bưu phẩm (転送届 – Tensou todoke) tại bưu điện, các bưu phẩm của bạn gửi đến địa chỉ cũ sẽ tự động được chuyển tiếp đến địa chỉ mới. Dịch vụ chuyển tiếp này hoàn toàn miễn phí trong vòng 1 năm và có thể gia hạn nếu cần.

        Thay đổi địa chỉ của tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng

        Bạn cũng cần phải làm thủ tục thay đổi địa chỉ với các tổ chức tài chính và công ty thẻ tín dụng. Về cơ bản, các bạn có thể làm online trong hầu hết các trường hợp.  
        Nếu thông tin địa chỉ của tài khoản vẫn là địa chỉ cũ, có khả năng các giấy tờ hoặc thông báo sẽ không được gửi đến tay bạn, vì thế hãy xử lý sớm nhé.

         

         Các thủ tục hành chính sau khi chuyển nhà rất nhiều, nhưng hoàn thành sớm sẽ giúp bạn bắt đầu cuộc sống mới một cách thuận lợi.

         Đặc biệt, việc chuyển đổi địa chỉ trên shi/ku và bảo hiểm y tế là những thủ tục quan trọng, vì vậy đừng quên thực hiện sớm nhé. Ngoài ra, hãy kiểm tra trước các giấy tờ cần thiết cho từng thủ tục và chuẩn bị đầy đủ để tránh gặp khó khăn trong quá trình xử lý.