Lưu trữ của tác giả: zou-wp

Visa đặc định chờ về「出国準備」

2024年11月16日

Em xin đơn xin gia hạn visa nhưng bị đánh trượt và hôm nay nhận được visa Chờ về 出国準備.  Visa này là sao ạ? Em bắt buộc phải về nước trước thời hạn của visa này ạ? Liệu em có cơ hội để xin lại không?

Trong trường hợp gia hạn/đổi visa không thành công, các bạn sẽ nhận được một loại visa đặc định (特定活動) để có thời gian chuẩn bị cho việc xuất cảnh về nước (出国準備), hay gọi nôm na là “Visa chờ về”

Visa chờ về này có 2 loại: loại 30 ngày và loại 31 ngày. Thực tế chỉ khác nhau 1 ngày nhưng theo kinh nghiệm thực tế, sự khác biệt này là khác lớn.

Điểm khác biệt đó nằm ở việc: khi các bạn nộp lại hồ sơ xin visa từ visa Chờ về này, các bạn có được áp dụng “Thời gian lưu trú đặc biệt” (Tokurei kikan) hay không? 

Cụ thể:
  ・Trong trường hợp visa chờ về 31 ngày : Nếu được thụ lý hồ sơ xin lại, các bạn sẽ được áp dụng “Thời gian lưu trú đặc biệt” (Tokurei kikan)
  ・Trong trường hợp visa chờ về 30 ngày: Dù có được thụ lý hồ sơ xin lại, các bạn cũng sẽ khôngđược áp dụng “Thời gian lưu trú đặc biệt” (Tokurei kikan)

※”Thời gian lưu trú đặc biệt” – 特例期間 là gìTham khảo bài viết

 Có ý kiến cho rằng trong trường hợp 30 ngày, sẽ không thể nộp lại hồ sơ xin và các bạn buộc phải xuất cảnh về nước trong 30 ngày đó, nhưng theo kinh nghiệm thực tế thì vẫn có những trường hợp có thể nộp hồ sơ xin lại. Tuy nhiên, ngay cả khi đơn xin được chấp nhận thì các bạn cũng không được áp dụng chế độ “Thời gian lưu trú đặc biệt”, do vậy các bạn sẽ không được lưu trú thêm 2 tháng kể từ ngày hết hạn visa chờ về. 
 Do đó, nếu trong thời gian 30 ngày mà không có kết quả thì các bạn phải xuất cảnh về nước. Nếu không, các bạn sẽ thành lưu trú bất hợp pháp, gây ảnh hưởng tới việc xin tư cách lưu trú sau này. Vậy nên các bạn hãy đặ biệt chú ý nhé.

 Ngoài ra, dù được cấp thời hạn là 30 hay 31 ngày, nếu muốn xin tư cách lưu trú mới sau khi nhận visa chờ về, thì tốt nhất là các bạn không nên tự đưa ra quyết định mà hãy liên hệ trực tiếp với Cục quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền để xác minh xem có thể nộp lại đơn xin hay không và nếu được chấp nhận, bạn có thể lưu trú hợp pháp tại Nhật Bản đến khi nào.

Đón bố mẹ sang Nhật sinh sống lâu dài?

2024年11月15日

Gần đây em mới xin được visa vĩnh trú nên muốn đón bố mẹ sang Nhật để sinh sống lâu dài. Có visa nào để xin được không? 

 Về mặt chế độ, có một dạng visa đặc định (特定活動 – tokutei katsudou) gọi là  老親扶養 (ろうしんふよう – Tạm dịch: “Visa bảo lãnh cha mẹ già”)
 Tuy nhiên, trên thực tế thì visa này khá khó xin. Theo kinh nghiệm thực tế, để có cơ hội nộp visa, các bạn cần phải đáp ứng được tất cả các yêu cầu dưới đây. 

①Bố/mẹ đã lớn tuổi
 Không có quy định cụ thể về độ tuổi, tuy nhiên theo kinh nghiệm thì thường phải trên 80 tuổi.

② Ở Việt Nam không có ai phụng dưỡng bố mẹ

③Bố/mẹ hiện tại đang ở  Việt Nam một mình 
 Bố hoặc mẹ đã mất hoặc hai bố mẹ đã li dị, hiện chỉ còn lại một người đang sống một mình.

Bố/mẹ bị bệnh nặng 
 Nếu chỉ đơn thuần chỉ dừng ở mức “không khỏe” thì sẽ khá khó xin. Ngoài ra, hồ sơ sẽ cần phải gửi kèm các giấy tờ chứng minh tình trạng bệnh của bố/mẹ.

⑤Phía bảo lãnh bên Nhật (các bạn) có điều kiện kinh tế vững chắc
 Yêu cầu sẽ cao hơn rất nhiều so với trường hợp các bạn bảo lãnh vợ/chồng/con.

 Với những điều kiện nói trên, ngay cả khi các bạn đã có vĩnh trú hoặc đổi sang Quốc tịch Nhật bản thì việc xin tư cách lưu trú đặc định 老親扶養  để bảo lãnh bố mẹ già sang Nhật sinh sống cùng khá khó khăn. Vì Nhật là xã hội “siêu già”, do đó, việc đưa người cao tuổi đến Nhật Bản có thể gây ra gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội nên Cục Quản lý Xuất nhập cảnh thường rất thận trọng trong quá trình xét duyệt visa này.

※Đối với trường hợp các bạn có visa chất lượng cao (高度専門職) thì có thể đón bố mẹ sang Nhật với các điều kiện khác, hơn visa 老親扶養 này.

Chế độ “Thời gian lưu trú đặc biệt” (特例期間)

2024年11月14日

Em đã nộp đơn xin gia hạn thời gian lưu trú. Nhưng chỉ còn 5 ngày nữa là hết hạn lưu trú mà Cục vẫn chưa gửi kết quả nên em lo lắm. Quá hạn thì em có bị thành người lưu trú bất hợp pháp hay không?

Trong trường hợp bạn đã nộp và được thụ lý hồ sơ để xin gia hạn/đổi tư cách lưu trú trước ngày hết hạn, thì bạn sẽ được áp dụng một chế độ gọi là 特例期間 (Tokurei kikan – tạm dịch: “Thời gian lưu trú đặc biệt”) 

 Thời gian lưu trú đặc biệt (特例期間 – Tokurei kikan) là chế độ cho phép người nước ngoài sở hữu thẻ ngoại kiều (在留カード) ở Nhật.
 Trong trường hợp người nước ngoài đã nộp hồ sơ xin gia hạn hoặc đổi visa và được thụ lý nhưng tới ngày hết hạn lưu trú mà vẫn chưa có kết quả từ phía Cục xuất nhập cảnh, thì sẽ được phép ở lại hợp pháp thêm 2 tháng kể từ ngày hết hạn lưu trú, hoặc tới khi có kết quả từ Cục (Thời điểm nào tới sớm hơn thì áp dụng thời điểm đó)

 

※Về công việc, nếu tư cách lưu trú hiện tại của bạn cho phép làm việc, bạn vẫn có thể tiếp tục làm việc trong thời gian lưu trú đặc biệt.

 Quá 2 tháng lưu trú đặc biệt này, người nước ngoài sẽ thành người lưu trú bất hợp pháp, vì vậy, thông thường Cục quản lý xuất nhập cảnh sẽ cố gắng để đưa ra kết quả gia hạn/đổi visa trước thời điểm này.
 Tuy nhiên, đây chỉ là cố gắng, chứ Cục không bắt buộc phải đảm bảo có kết quả cho các bạn trong thời gian này. Do đó, tốt nhất là các bạn nên gia hạn sớm. Về nguyên tắc cơ bản, các bạn có thể bắt đầu gia hạn trước khi hết hạn 3 tháng
 Ngoài ra, nếu đã gần tới ngày hết thời gian lưu trú đặc biệt mà vẫn chưa có kết quả thì các bạn có thể xác nhận tình hình xét visa của bản thân với Cục xuất nhập cảnh.

Giao tiếp và quy tắc ứng xử trong môi trường đa văn hóa

2024年11月14日

Do khác biệt về văn hóa nên em khá lo là mình sẽ không biết cách giao tiếp phù hợp và có thể vô tình khiến mọi người cảm thấy khó chịu. Có Nhật có các quy tắc và phép tắc khi giao tiếp không ạ?

 Nỗi lo lắng về việc “không biết cách nói chuyện phù hợp do khác biệt văn hóa” là điều mà nhiều người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản thường cảm thấy. Tại các công ty ở Nhật, các quy tắc ứng xử và sự quan tâm đến người khác rất được chú trọng, nên nếu không chú ý thì chúng ta có thể sẽ vô tình thất lễ với đối phương. Ở đây, chúng tôi sẽ giải thích về những quy tắc giao tiếp và phép lịch sự cụ thể mà bạn cần đặc biệt chú ý trong môi trường công sở và cuộc sống hàng ngày.

1. Sử dụng từ ngữ lịch sử và kính ngữ

    • Sử dụng kính ngữ:Khi giao tiếp với cấp trên và đồng nghiệp, nên chú ý sử dụng kính ngữ thay vì lời nói thông thường (sử dụng cách nói lịch sự như “です・ます”).
      Ví dụ: Ví dụ, thay vì nói “~してください” (hãy làm giúp tôi ~), nên sử dụng cách nói nhẹ nhàng hơn như “~していただけますか?” (có thể làm giúp tôi ~ được không?) để thể hiện sự tôn trọng.
    • Nhờ vả và từ chối:Khi nhờ ai đó, nên sử dụng những biểu hiện như “お手数をおかけしますが、お願いできますでしょうか?” (xin lỗi vì đã làm phiền, nhưng có thể giúp tôi được không?).
      Khi từ chối, nên dùng các cách nói có ý xin lỗi như “申し訳ありませんが…” (tôi rất xin lỗi, nhưng…). Cách diễn đạt như vậy sẽ giúp tránh gây cảm giác khó chịu cho đối phương.

2. Ý thức về việc “Phản hồi, tương tác” trong cuộc trò chuyện

    • Gật đầu và phản hồi:Việc thêm các từ phản hồi nhẹ nhàng như “vâng,” “đúng vậy,” “tôi hiểu rồi” (「はい」「そうですね」「なるほど」) hoặc gật đầu nhẹ trong lúc trò chuyện sẽ thể hiện sự quan tâm và thấu hiểu đối với người đối diện. Tại Nhật Bản, nếu bạn im lặng trong khi người khác đang nói, họ có thể nghĩ rằng bạn không quan tâm hoặc không hiểu, vì vậy phản hồi vừa đủ là điều rất quan trọng.
    • Ánh nhìn:Người Nhật thường tránh việc nhìn chằm chằm vào mắt người khác quá lâu, nhưng thỉnh thoảng nhìn vào mắt đối phương và gật đầu sẽ thể hiện thái độ lịch sự.

3. Tránh sử dụng cách diễn đạt trực tiếp mà nên dùng cách nói nhẹ nhàng

    • Cách từ chối:Thay vì dùng những cách diễn đạt thẳng thừng như 「できません」(“Tôi không thể làm được”) hoặc 「無理です」(“Điều đó là không thể,”), các bạn nên lựa chọn cách nói nhẹ nhàng hơn như 「少し難しいかもしれません」(“Điều này có lẽ hơi khó”) hoặc 「検討してみますが、難しいかもしれません」 (“Tôi sẽ cân nhắc, nhưng có thể sẽ khó thực hiện.”)
      Ở Nhật Bản, cách nói mơ hồ thường được sử dụng để tránh cảm giác từ chối trực tiếp, vì vậy những cách diễn đạt quá thẳng có thể được xem là cứng nhắc.
    • Khi đề xuất ý kiến:Thay vì nói trực tiếp 「こうした方が良いと思います」(“Tôi nghĩ nên làm thế này sẽ tốt hơn,”) hãy sử dụng cách nói nhẹ nhàng như 「もしよければ、こうするのはいかがでしょうか?」 (“Nếu được, bạn nghĩ sao về việc làm như thế này?”) hoặc “Có một phương án thế này, anh/chị thấy sao?” (「一つの案として、こういう方法も考えられます」)
      Những cách diễn đạt nhẹ nhàng và không áp đặt sẽ được ưa chuộng hơn khi nói chuyện với người Nhật.

4. Chú trọng việc chào hỏi

    • Lời chào trong đời sống hằng ngày:Sử dụng thành thạo các lời chào cơ bản như “Chào buổi sáng” (おはようございます), “Cảm ơn anh/chị vì đã vất vả” (お疲れ様です), “Xin phép” (失礼します), và “Cảm ơn” (ありがとうございます) giúp củng cố mối quan hệ tin cậy tại nơi làm việc.
      Lời chào buổi sáng “おはようございます” vào đầu ngày hay “お疲れ様でした” khi ra về là những lời chào không thể thiếu trong công việc.
    • Thể hiện sự biết ơn:Ví dụ, khi ai đó giúp đỡ mình, các bạn hãy chú ý nói “ありがとうございます” hay “お手数をおかけしました” giúp bày tỏ lòng biết ơn một cách chân thành và lịch sự.

5. Chú ý đến thông tin cá nhân và các chủ đề riêng tư

    • Chú ý tới nội dung câu hỏi:Tại Nhật Bản, các chủ đề như tình hình gia đình, thu nhập, tôn giáo và chính trị thường được xem là riêng tư và mọi người có xu hướng tránh nhắc đến. Khi trò chuyện với đồng nghiệp, ban đầu nên tập trung vào các chủ đề liên quan đến công việc và dần dần mới đề cập đến chuyện cá nhân khi mối quan hệ đã trở nên thân thiết hơn.
    • Tôn trọng quyền riêng tư:Hạn chế hỏi quá sâu về tình hình gia đình hay sở thích cá nhân của đối phương. Ở Nhật mọi người coi trọng sự riêng tư, và việc không can thiệp quá mức vào đời tư của người khác sẽ giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp.

6. Bày tỏ sự quan tâm và lòng biết ơn đối với cấp trên và đồng nghiệp

    • Nói lời cảm ơn:Khi nhận được lời khuyên từ cấp trên hoặc sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, hãy bày tỏ lòng biết ơn bằng những lời như “Cảm ơn vì lời khuyên của anh/chị” (アドバイスありがとうございます) hoặc “Cảm ơn anh/chị đã giúp đỡ” (お世話になりました).
    • Có thái độ quan tâm phù hợp:Ví dụ, việc phát tài liệu trong cuộc họp hay đề nghị giúp đỡ khi thấy đồng nghiệp đang bận rộn là những hành động nhỏ nhưng để lại ấn tượng tốt. Hành động quan tâm ở mức thích hợp sẽ thường được đánh giá cao.

 

 Cuộc sống và giao tiếp tại nơi làm việc ở Nhật Bản thường đề cao sự quan tâm và lễ nghĩa. Bằng cách chú ý đến những điểm cụ thể nêu trên, bạn có thể vượt qua rào cản văn hóa và giao tiếp một cách suôn sẻ, từ đó xây dựng môi trường làm việc tốt đẹp hơn.
 Sự quan tâm nhỏ hằng ngày và thái độ lịch sự chính là chìa khóa quan trọng để giúp công việc và cuộc sống của bạn tại Nhật Bản trở nên ý nghĩa và phong phú hơn.

Dành cho nhân viên mới!Văn hóa Nomikai ở công ty Nhật

2024年11月13日

Em muốn biết về văn hóa đi ăn, đi tiệc rượu với công ty (飲み会 – Nomikai) ở Nhật Bản không? Nhất là cá  quy tắc và điều cần chú ý khi tham gia.

Ở Nhật Bản, các buổi Nomikai (tiệc rượu) được xem là một dịp quan trọng để củng cố mối quan hệ giữa các đồng nghiệp và tăng cường tinh thần đoàn kết trong nhóm. Đặc biệt, các buổi tiệc rượu công ty có không khí và quy tắc riêng, việc hiểu rõ những quy tắc cơ bản là rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp tại nơi làm việc.


1. Văn hóa Nomikai ở Nhật

Ở Nhật Bản, các buổi nomikai là một phần không thể thiếu trong giao tiếp tại nơi làm việc. Đặc biệt, những dịp như lễ kỷ niệm chào đón thành viên mới, tiệc cuối năm, tiệc đầu năm… Việc tụ tập cùng cấp trên và đồng nghiệp bên ngoài giờ làm việc tạo ra một không gian thoải mái, nơi mọi người có thể chia sẻ những điều mà đôi khi không tiện trao đổi trong giờ làm việc.

Một đặc điểm nổi bật của văn hóa uống rượu tại Nhật Bản là trong các buổi tiệc này, khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới thường được rút ngắn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để mọi người chia sẻ thẳng thắn những suy nghĩ của mình và tăng cường sự thân thiết.

2. Phong cách nomikai ở Nhật

Nomikai là một phần mở rộng của môi trường làm việc, nhưng với không khí thoải mái hơn. Mặc dù là một không gian thư giãn, nơi mọi người có thể thả lỏng, nhưng các bạn vẫn cần phải có sự để ý nhất định đến cấp trên và đồng nghiệp. Ở Nhật Bản, mặc dù các hành vi uống rượu quá mức như “một hơi uống cạn ly” ngày càng giảm đi, nhưng việc duy trì không khí vui vẻ và thoải mái vẫn được coi trọng.

Tại các buổi tiệc rượu, mọi người thường bắt đầu bằng việc cùng nhau nâng ly chúc mừng (乾杯 – kanpai). Ngoài ra, việc rót rượu cho nhau là một nét đặc trưng trong văn hóa uống rượu của Nhật Bản và được coi là một cách để gắn kết mọi người.

3. Các quy tắc ứng xử khi đi nomikai

①Không được tới muộn
Tới buổi tiệc đúng giờ, không được tới muộn.

② Chờ mọi người cùng nâng ly chúc mừng
Đầu buổi tiệc, các bạn cần chờ mọi người có mặt đông đủ để cùng nhau nâng ly chúc mừng. Việc tự ý uống trước khi có lời chúc mừng (乾杯 – kanpai) là điều không nên.

③ Rót rượu cho cấp trên và sempai
Trong các buổi nomikai, thứ bậc tuổi tác vẫn được thể hiện rất rõ nét. Khi ly của cấp trên hoặc sempai hết rượu thì các bạn nên chủ động rót hoặc hỏi ý của cấp trên/sempai để gọi thêm. Tuy nhiên, cũng nên chú ý không nên ép buộc.

④ Chú trọng thể hiện sự cảm ơn
Khi kết thúc buổi tiệc hoặc lúc ra về, việc nói lời cảm ơn đến người tổ chức (幹事 – kanji) hoặc cấp trên là rất quan trọng. Vì buổi tiệc công ty cũng được xem như một phần của công việc nên việc nói lời cảm ơn một cách lịch sự sẽ tạo được ấn tượng tốt.

4. Các điểm chú ý khi tham gia nomikai

① Không uống quá nhiều
Chú ý, chỉ nên uống có chừng mực khi tham gia nomikai. Nên uống với tốc độ vừa phải và biết được giới hạn của bản thân.

② Không ép người khác uống rượu
Gần đây, tại Nhật Bản cũng có xu hướng hạn chế việc ép buộc uống rượu. Việc ép người khác uống rượu hoặc yêu cầu “uống một hơi” (一気飲み – ikki nomi) đôi khi cũng là hành vi thất lễ. Đối với những người không muốn uống, các bạn có thể mời họ dùng nước ngọt hoặc đồ uống không cồn.

③ Không hỏi quá sâu vào cuộc sống riêng tư của đồng nghiệp
Dù đi nomikai cũng là trong một không gian thư giãn nhưng các bạn cũng nên tránh các câu hỏi quá riêng tư hoặc các chủ đề đi quá sâu vào đời tư. Hãy cố gắng lựa chọn những chủ đề để mọi người đều có thể cùng nói chuyện vui vẻ.

④ Chú ý thời gian ra về
 Thời gian của buổi tiệc có thể kéo dài, nhưng hãy chú ý đến thời gian về để không ảnh hưởng đến công việc vào ngày hôm sau. Các bạn nên để ý  giờ của chuyến tàu cuối (終電 – shuuden) và công việc của ngày hôm sau để có thể xin phép ra về vào thời điểm phù hợp.

 

Văn hóa nomikai của Nhật Bản là một cơ hội quý báu để làm cho mối quan hệ giữa đồng nghiệp trở nên hòa hợp hơn và là cơ hội để chia sẻ những điều khó nói trong bầu không khí thoải mái. Tuy nhiên, các bạn cũng nên chú ý đến các phép tắc để có thể tạo ấn tượng tốt và xây dựng mối quan hệ tin cậy tại nơi làm việc nhé!

Làm việc linh hoạt (Hybrid Work – ハイブリッドワーク)

2024年11月12日

Hybrid Work – ハイブリッドワーク(ハイブリッド勤務)là gì thế ạ?

 Hình thức “Làm việc linh hoạt” – Hybrid Work, là mô hình kết hợp giữa làm việc tại văn phòng truyền thống và làm việc từ xa tại nhà hoặc bất kỳ đâu có kết nối internet. Với hình thức làm việc này, nhân viên có thể linh hoạt lựa chọn địa điểm làm việc phù hợp với từng công việc và từng ngày trong tuần.
Ví dụ, họ có thể tập trung làm việc ở nhà 3 ngày và đến văn phòng để họp trực tiếp hoặc làm việc nhóm trong 2 ngày còn lại.

 Sự phổ biến của mô hình làm việc hybrid là kết quả của xu hướng chuyển đổi số và nhu cầu đa dạng hóa hình thức làm việc của người lao động. Các doanh nghiệp ngày càng nhận ra rằng, việc cho phép nhân viên làm việc linh hoạt không chỉ đáp ứng nhu cầu cá nhân mà còn giúp tăng năng suất và hiệu quả làm việc. Bằng cách tự chủ sắp xếp thời gian và không gian làm việc, nhân viên có thể cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống, từ đó nâng cao tinh thần làm việc và giảm thiểu tình trạng căng thẳng.

Lợi ích của mô hình làm việc hybrid

      1. Cách làm việc linh hoạt hơn
        Với cách làm việc không bị bó buộc vào giờ giấc và địa điểm làm việc cố định này, nhân viên có thể chủ động sắp xếp công việc theo nhịp sống cá nhân, tạo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

      2. Nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc
        Tùy thuộc vào tính chất công việc, nhân viên có thể lựa chọn môi trường làm việc phù hợp nhất. Ví dụ, những công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ có thể được thực hiện tại những nơi yên tĩnh, trong khi các công việc cần tương tác với đồng nghiệp có thể được thực hiện tại văn phòng.

      3. Cân bằng cuộc sống
        Việc giảm thời gian di chuyển giúp nhân viên có thêm thời gian dành cho gia đình, bạn bè và các hoạt động cá nhân, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống.

      4. Tăng cường sự hài lòng của nhân viên
         Việc được tự chủ trong công việc và có nhiều lựa chọn hơn giúp nhân viên cảm thấy được tôn trọng và đánh giá cao. Điều này góp phần giảm thiểu tình trạng nghỉ việc và tăng sự gắn kết giữa nhân viên với công ty.

      5. Doanh nghiệp linh hoạt hơn
        Với mô hình làm việc hybrid, doanh nghiệp có thể dễ dàng thích ứng với những thay đổi bất ngờ, như tình hình dịch bệnh hoặc thiên tai.

Điểm hạn chế của mô hình làm việc hybrid

      1. Hạn chế về giao tiếp
        Việc không cùng làm việc tại một địa điểm khiến việc giao tiếp và chia sẻ thông tin giữa các thành viên trong nhóm trở nên khó khăn hơn, dễ dẫn đến hiểu nhầm và chậm trễ trong công việc.

      2. Rủi ro trong bảo mật
        Làm việc tại nhà tăng nguy cơ rò rỉ thông tin quan trọng do môi trường làm việc không đảm bảo an toàn bảo mật như khi làm việc tại văn phòng.

      3. Mờ nhạt ranh giới giữa công việc và cuộc sống
        Việc làm việc tại nhà dễ khiến ranh giới giữa công việc và cuộc sống trở nên mờ nhạt, gây ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc và cuộc sống cá nhân.

Để áp dụng thành công mô hình làm việc linh hoạt Hybrid Work

      1. Xây dựng hệ thông quy định, quy tắc rõ ràng
        Cần có các quy tắc cụ thể về địa điểm làm việc, số giờ làm việc mỗi ngày,… để giúp nhân viên hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình.

      2. Sử dụng một cách có hiệu quả các công cụ giao tiếp
        Sử dụng các công cụ như họp trực tuyến, phần mềm chat để duy trì sự kết nối và trao đổi thông tin hiệu quả giữa các thành viên trong nhóm, dù họ đang làm việc ở bất cứ đâu.

      3. Cải thiện môi trường làm việc tại công sử
        Thiết kế không gian làm việc tại văn phòng một cách đa dạng, để đáp ứng cả nhu cầu làm việc tập trung và làm việc nhóm, giúp tăng cường hiệu quả công việc.

      4. Nâng cao nhận thức của nhân viên
        Việc thay đổi cách làm việc đòi hỏi sự thích nghi của từng cá nhân. Do đó, doanh nghiệp cần tổ chức các chương trình đào tạo và truyền thông để giúp nhân viên hiểu rõ về hình thức làm việc mới và cách thức để thích ứng hiệu quả.

 Mô hình làm việc linh hoạt Hybrid work đem lại nhiều lợi ích, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều yêu cầu đối với doanh nghiệp. Để tận dụng tối đa những lợi thế của mô hình này, các doanh nghiệp cần thiết kế và triển khai các hệ thống làm việc linh hoạt phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của từng công ty.

Dành cho nhân viên mới:Quy tắc ứng xử trong tàu điện

2024年11月12日

Em muốn biết các quy tắc ứng xử trong tàu điện của Nhật ạ.

Tàu điện là phương tiện giao thông công cộng được nhiều người sử dụng. Vì phải di chuyển trong không gian hạn chế và vào những giờ cao điểm đông đúc nên việc quan tâm đến những người xung quanh là điều vô cùng cần thiết.
Dưới đây là một số quy tắc ứng xử trên tàu điện giúp bạn có một chuyến đi thoải mái và dễ chịu nhé.

1. Để điện thoại ở chế độ rung/chế độ im lặng:

Trong tàu điện, hãy đặt điện thoại ở chế độ rung/im lặng và hạn chế gọi điện. Đặc biệt trong giờ cao điểm, tiếng chuông điện thoại hay cuộc gọi cá nhân có thể gây phiền nhiễu cho những người xung quanh. Nếu thực sự cần thiết phải gọi, hãy ra khỏi toa tàu hoặc tìm một góc yên tĩnh để nói chuyện.

2. Chú ý tới âm lượng của điện thoại, tai nghe:

Việc nghe nhạc hoặc xem video là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng hãy đeo tai nghe và điều chỉnh âm lượng vừa phải để tránh làm phiền những người xung quanh.

3. Mang balo, túi, cặp trước ngực:

Vào giờ cao điểm, việc đeo balo sau lưng có thể vô tình va chạm vào người khác. Vì vậy, hãy mang balo trước ngực để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Ngoài ra, bạn nên thu gọn hành lý để thuận tiện cho việc di chuyển.

4. Chú ý ghế ưu tiên (優先席-Yuusenseki):

Ghế ưu tiên dành cho phụ nữ mang thai, người già, người khuyết tật và trẻ em. Hãy nhường chỗ cho những người có nhu cầu khi bạn ngồi ở khu vực này.
Đồng thời, hãy tắt điện thoại hoặc để ở chế độ rung khi ngồi gần khu vực ghế ưu tiên.

5. Giữa trật tự: 

Trong tàu điện, hãy hạn chế nói chuyện lớn tiếng và tránh xem video với âm lượng quá to. Đặc biệt trong giờ cao điểm, việc giữ yên lặng sẽ giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn.

6. Chú ý khi lên – xuống tàu:

Khi tàu dừng tại ga, hãy nhường lối đi cho những người muốn xuống tàu trước. Sau đó, bạn mới bước lên tàu. Việc xếp hàng ngay ngắn sẽ giúp cho việc lên xuống tàu diễn ra trôi chảy.

7. Chọn vị trí đứng phù hợp:

Trong giờ cao điểm, hãy cố gắng đứng ở vị trí không gây cản trở lối đi. Tránh đứng chắn cửa hoặc khu vực thông thoáng. Đồng thời, hãy giữ chặt tay vịn để đảm bảo an toàn.

8. Giữ gìn vệ sinh:

Không vứt rác bừa bãi trên tàu. Hãy mang theo rác và bỏ vào thùng rác khi xuống ga. Ngoài ra, hạn chế ăn uống trên tàu để tránh gây mùi khó chịu.

  Việc tuân thủ những quy tắc ứng xử trên tàu điện không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với những người xung quanh mà còn góp phần tạo nên một không gian công cộng văn minh. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường đi lại thoải mái và dễ chịu nhé!

Dành cho nhân viên mới:Đi làm bằng tàu điện

2024年11月10日

Từ trước tới giờ em chưa từng đi làm bằng phương tiện công cộng bao giờ. Vậy khi đi làm bằng tàu điện, em nên chú ý những điểm gì?

Tàu điện là phương tiện di chuyển hàng ngày của rất nhiều người, nhưng đối với những người mới bắt đầu sử dụng phương tiện công cộng thì có thể sẽ cảm thấy hơi lo lắng. Bài viết này sẽ giới thiệu những điểm cần lưu ý khi đi làm bằng tàu điện và một số lời khuyên để bạn có một chuyến đi thoải mái. Các bạn hãy tham khảo thử nhé!

Các điểm nên chú ý khi đi làm bằng tàu điện

1. Chú ý về mặt thời gian

Về cơ bản, tàu điện sẽ chạy đúng giờ theo lịch trình có sẵn. Nếu lỡ chuyến, bạn sẽ phải đợi chuyến tiếp theo. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên đi sớm một chút để đảm bảo kịp giờ tàu nhé.

2. Chú ý giờ cao điểm

Tàu điện giờ cao điểm (7-9 giờ sáng và 5-7 giờ chiều) thường rất đông. Để di chuyển dễ dàng hơn, bạn nên chuẩn bị thể lực tốt và mang theo hành lý thật gọn nhẹ. Ngoài ra, nếu có thể, hãy cố gắng đi sớm hơn một chút để tránh giờ cao điểm.

3. Chú ý các quy tắc khi đi tàu điện

Tàu điện là nơi công cộng mà rất nhiều người sử dụng. Hãy để điện thoại ở chế độ im lặng và tránh nói chuyện lớn tiếng. Ngoài ra, chú ý không vứt rác bừa bãi và luôn hành động có ý thức để tránh ảnh hưởng tới mọi người xung quanh.

4. Chú ý an toàn

Chú ý tránh để xảy ra tai nạn và rắc rối ở trong tàu điện cũng như trên sân ga nhé. Hãy đứng trong vạch kẻ vàng trên sân ga để không xảy ra tai nạn với tàu và luôn giữ gìn đồ đạc có giá trị của mình để tránh mất cắp nhé.

5. Chú ý sức khỏe của bản thân

Đứng quá lâu hoặc chen chúc trên tàu trong thời gian dài có thể khiến bạn mệt mỏi. Khi cảm thấy không khỏe, đừng cố gắng quá sức, hãy điều chỉnh lịch trình đi làm sao cho phù hợp với sức khỏe nhé.


Cách để việc đi làm bằng tàu thoải mái hơn

1. Kiểm tra lộ trình và điểm chuyển tuyến

Trước khi đi làm, hãy dành thời gian kiểm tra kỹ lộ trình trên bản đồ hoặc ứng dụng điện thoại để biết rõ ga gần nhà nhất và các ga cần chuyển tuyến. Việc này sẽ giúp bạn yên tâm hơn rất nhiều. 
Đừng vội vàng khi chưa quen đường. Trong thời gian đầu khi chưa quen với ga tàu mới, bạn nên dành thêm thời gian để di chuyển.

2. Sử dụng vé tháng (定期券 – Teikiken)

Việc mua vé tháng có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí đi lại so với việc mua vé lẻ. Khi đã xác định được tuyến đường đi làm, hãy chuẩn bị vé tháng sớm nhé.

3. Kiểm tra thông tin giờ cao điểm

Nên kiểm tra trước tình hình qua các ứng dụng để chọn được khung giờ và toa tàu ít người, giúp cho chuyến đi thoải mái hơn.

4. Mang hành lý gọn nhẹ

Mang quá nhiều đồ đạc sẽ khiến việc đi làm bằng tàu điện sẽ trở nên mệt mỏi hơn. Hãy cố gắng thu gọn đồ đạc chỉ còn những thứ cần thiết nhất và chọn chiếc túi có kích thước nhỏ gọn.

5. Tận dụng hiệu quả thời gian di chuyển

Việc tận dụng thời gian đi lại để đọc sách hay nghe nhạc cũng là điều hay. Tuy nhiên, bạn nên chú ý điều chỉnh âm lượng tai nghe sao cho không làm phiền những người xung quanh nhé.

 

Ttàu điện không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển mà còn là nơi bạn có thể khám phá và gặp gỡ những điều mới mẻ. Hãy bắt đầu một hành trình đi tàu điện an toàn, thoải mái nhé!

Lương trả theo năm và việc trả lương làm thêm theo giờ

2024年11月09日

Nếu trả lương theo chế độ niên bổng, có cần thiết phải trả lương làm thêm giờ không?

Dù là lương theo chế độ niên bổng thì vẫn cần phải trả lương làm thêm giờ khi có tăng ca. 
(Tuy nhiên, quy định này không áp dụng cho người giám sát quản lý).

Nếu lương theo năm này đã bao gồm tiền làm thêm giờ thì cần chú ý làm đúng quy định về tiền làm thêm cố định.

Ví dụ

      •  Phân rõ ràng giữa phần lương cơ bản và tiền làm thêm cố định trong hợp đồng lao động.
      •  Ghi cụ thể thời gian làm thêm cố định.
      •  Quản lý chấm công một cách phù hợp.

 

Thời gian làm thêm cố định cần được quyết định trong phạm vi hợp lý,  thông qua thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động.

Nam giới nghỉ phép chăm con và việc miễn trừ bảo hiểm

2024年11月08日

Nếu nam giới nghỉ phép chăm sóc con, có được miễn phí bảo hiểm xã hội không?

Nam giới nghỉ phép chăm sóc con hoặc nghỉ phép chăm sóc con khi sinh (nghỉ hậu sản cho bố), thì cũng được áp dụng các chế độ trợ cấp và miễn phí bảo hiểm xã hội.

Bất kể nam hay nữ, nếu là người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp thì đều thuộc đối tượng được miễn phí bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ chăm sóc con.

育児休業給付
(Trợ cấp nghỉ chăm sóc con)

Khi nghỉ chăm sóc con (bao gồm cả nghỉ chăm sóc con khi sinh) và đáp ứng đủ điều kiện nhận trợ cấp, người lao động có thể nhận trợ cấp chăm sóc con tương đương 67% mức lương tại thời điểm bắt đầu nghỉ (và 50% sau 180 ngày).

 

育児休業期間中の社会保険料の免除
(Miễn phí bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ chăm sóc con)

Nếu đáp ứng các yêu cầu nhất định dưới đây, bảo hiểm xã hội liên quan đến lương tháng và tiền thưởng trong thời gian nghỉ chăm sóc con (bao gồm cả nghỉ chăm sóc con khi sinh) sẽ được miễn cả phần đóng góp của người lao động và của doanh nghiệp.

① Ngày cuối cùng của tháng đó nằm trong thời gian nghỉ chăm sóc con.
②Từ tháng 10 năm 2022, ngoài yêu cầu①nếu người lao động nghỉ chăm sóc con trong cùng một tháng (bắt đầu và kết thúc nghỉ trong tháng) và thời gian nghỉ là 14 ngày trở lên, bảo hiểm xã hội sẽ được miễn.
 Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội liên quan đến tiền thưởng chỉ được miễn nếu thời gian nghỉ chăm sóc con kéo dài liên tục hơn 1 tháng.