Lưu trữ của tác giả: zou-wp

Không tham gia bảo hiểm xã hội cho nhân viên có được không?

2024年07月24日

Tôi đang làm chủ doanh nghiệp tại Nhật. Nhân viên chính thức của tôi có đề đạt nguyện vọng không tham gia bảo hiểm xã hội để tiền lương về tay được nhiều hơn. Tại sao lại phải tham gia bảo hiểm xã hội?

Khi tuyển nhân viên chính thức, công ty có nghĩa vụ phải gia nhập bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm lương hưu kousei nenkin và bảo hiểm sức khỏe).

Không đơn giản chỉ là do nhân viên không muốn gia nhập nên công ty không vào. Ngược lại, công ty cần phải trao đổi với nhân viên về những lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, Cơ quan Nhà nước, mà cụ thể là văn phòng Nenkin sẽ có những cuộc kiểm tra định kỳ để xác nhận tình trạng gia nhập bảo hiểm của công ty. Nếu phát hiện ra các trường hợp chưa gia nhập bảo hiểm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ có thể yêu cầu công ty làm thủ tục gia nhập “bù” với thời gian tối đa là 2 năm kể từ thời điểm phát hiện. Tiền phí bảo hiểm công ty phải đóng trong trường hợp này cũng là một rủi ro khá lớn.

※Thông thường, tiền phí bảo hiểm xã hội sẽ do cả công ty và người lao động cùng đóng với tỉ lệ 50 – 50. Trong trường hợp bị văn phòng Nenkin yêu cầu đóng bù thì có khả năng công ty sẽ phải đóng toàn bộ tiền phí bảo hiểm trong quá khứ, bao gồm cả phần của người lao động.
Lý do là vì, việc không cho nhân viên gia nhập bảo hiểm vào thời điểm cần gia nhập được xét là trách nhiệm của công ty.
(Ngoài ra còn là vì, trên thực tế, số tiền bảo hiểm phải đóng bù thường rất lớn, dù có yêu cầu nhân viên thanh toán thì khả năng nhân viên không trả được cũng là rất lớn). Với các nhân viên partime hoặc các nhân viên tuyển dụng thời gian ngắn thì có thể công ty không cần phải gia nhập bảo hiểm xã hội.

Giới thiệu việc làm sai luật!

2024年07月23日

Em đang là Du học sinh. Hôm trước có anh giới thiệu việc làm cho em. Em tưởng anh ấy giúp thôi mà cuối cùng thấy anh ấy lại đòi tiền của em. Như thế là có đúng không ạ? 

Theo những gì em mô tả thì khả năng cao đây là hành vi giới thiệu việc làm sai luật.

Ở Nhật, khi giới thiệu việc làm cho cá nhân người lao động thì được phép thu phí từ phía người lao động. Hay nói ngược lại, người lao động không có nghĩa vụ phải trả phí.

Nếu bạn đã lỡ thanh toán số tiền này thì có thể có thể cung cấp bằng chứng và trao đổi với Cục Quản lý lao động (労働基準監督署) hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh,…

Ngoài ra, theo quy định thì phía giới thiệu việc làm phải cung cấp các giấy tờ nêu rõ nội dung công việc, mức lương, địa điểm làm việc, điều kiện tuyển dụng,… Do đó các bạn hãy lưu lại những nội dung này nhé!

Chủ nhà không trả lại tiền đặt cọc shikikin cho mình?

2024年07月22日

Lúc thuê nhà mình đã nộp 10man tiền đặt cọc nhưng lúc chuyển nhà thì chủ nhà không trả lại cho mình. Cái này là tiền đặt cọc thì phải trả lại chứ? 

 Ở Nhật, việc tiền đặt cọc không được trả lại cũng khá phổ biến. 
 Thông thường, tiền đặt cọc sẽ được dùng để thanh toán tiền phí sửa chữa, dọn dẹp nhà sau khi khách thuê dọn đi. Ví dụ, khi các bạn hút thuốc trong phòng làm cho tường bị ố màu thì có thể chủ nhà sẽ phải thay giấy dán tường. Tương tự với những trường hợp các bạn làm hỏng cửa, sàn nhà,…
 Thậm chí nếu tiền đặt cọc không đủ chi trả phí sửa chữa thì các bạn còn có thể bị yêu cầu thanh toán thêm tiền.

 Ngược lại, cũng có những trường hợp bạn đã giữ gìn phòng rất sạch đẹp, phòng chỉ bị cũ đi vì thời gian mà chủ nhà vẫn đòi tiền thì các bạn nên có ý kiến trao đổi rõ ràng với chủ nhà. Một trong những cách để phòng tránh tình trạng này là chụp kỹ ảnh hiện trạng của ngôi nhà ngay khi vừa nhận.

 Ngoài ra, để tiền shikikin được trả lại nhiều nhất, các bạn hãy cố gắng dọn dẹp vệ sinh nhà thật sạch sẽ trước khi trả nhà. 

Tự cải tạo nhà thuê thì có sao không?

2024年07月21日

Hiện tại em đang thuê cả một căn nhà để cả gia đình ở. Nhưng em muốn sửa nhà một chút để con cái có chỗ chơi cho thoải mái thì có được không?

  Hành vi tự ý sửa chữa, cơi nới nhà thuê mà không được sự đồng ý của chủ nhà sẽ bị xét là vi phạm hợp đồng thuê nhà. Ngoài ra, tùy theo mức độ, hành vi sửa chữa mà có thể bị xét vào tội “Phá hoại tài sản” (Điều 261 Bộ luật Hình sự). 

  Việc này có thể dẫn tới việc các bạn bị phía chủ nhà yêu cầu thanh toán chi phí để phục hồi nguyên trạng cho căn nhà và yêu cầu chấm dứt, bồi thường hợp đồng. Do đó các bạn hãy chú ý, không tự ý tiến hành sửa chữa nhà đang thuê.

Tiền lễ (reikin) khi đi thuê nhà là tiền gì?

2024年07月20日

Em đang đi ký hợp đồng thuê nhà. Sao em đã phải trả tiền thuê nhà rồi mà sao còn phải trả tiền lễ, tiền cảm ơn gì cho chủ nhà nữa thế?

 Vốn dĩ, tiền lễ (reikin) là tiền mà người thuê nhà đưa cho chủ nhà để bày tỏ “cảm ơn vì đã cho tôi thuê nhà”
 Có nhiều nguồn gốc của tiền reikin, như ngày xưa, khi còn chưa có khái niệm “trả tiền thuê nhà” thì người đi thuê hay gửi một phần tiền cho chủ nhà để thể hiện thành ý cảm ơn. Thời đó chủ nhà thuê thường khá gần gũi với người đi thuê, giúp đỡ họ khi họ khó khăn,… nên việc bày tỏ sự cảm ơn này khá phổ biến. 

 Thông thường, tiền reikin sẽ rơi vào khoảng 1-2 tháng tiền nhà. Ngoài ra, khác với tiền đặt cọc (shikikin), tiền reikin sẽ không được trả lại khi bạn rời khỏi nhà.

 Tuy nhiên, hiện nay cũng có rất nhiều phòng cho thuê không cần phải trả tiền reikin. Các bạn hãy tìm những căn hộ phù hợp với nhu cầu và thu nhập của bản thân nhé!

Cho thuê lại nhà có được không?

2024年07月19日

Hiện tại em đang thuê nhà sống một mình. Em trả tiền đầy đủ rồi thì em cho bạn thuê lại một phòng còn trống hoặc gọi bạn tới ở chung để share tiền nhà có được không?

Ở Nhật, việc cho người khác thuê lại phòng/nhà mà bản thân đã thuê được gọi là “Tentai” hoặc “Mata gashi”. Nếu bạn thực hiện hành vi này mà không được sự đồng ý của chủ nhà thì sẽ là vi phạm luật pháp. Trường hợp gọi bạn tới ở cùng cũng tương tự như vậy.

Điều 162 trong bộ Luật dân sự của Nhật có quy định: “Nếu không có sự đồng ý của người cho thuê thì không được thực hiện các hành vi chuyển nhượng quyền thuê hoặc cho thuê lại”.

Nếu bị phát hiện, các bạn có thể sẽ bị yêu cầu phải ra khỏi nhà hoặc phải bồi thường tiền vi phạm hợp đồng nên hãy chú ý không vi phạm nhé.

Trợ cấp thất nghiệp và việc xin Vĩnh trú

2024年07月18日

Mình nghe nói là khi xin vĩnh trú thì Cục xét thu nhập của 5 năm gần nhất. Nhưng nếu mình lỡ xin trợ cấp thất nghiệp rồi thì có ảnh hưởng gì không?

Về cơ bản, dù có xin trợ cấp thất nghiệp thì các bạn vẫn có khả năng xin được visa vĩnh trú.

Tuy nhiên các bạn cần phải chú ý những điểm sau:

① Nếu nghỉ việc trong thời gian dài thì đương nhiên thu nhập của bạn sẽ giảm. Điều này sẽ thể hiện rất rõ trên giấy kazei shoumeisho mà bạn nộp cho Cục. 
Cho dù có thu nhập dựa trên trợ cấp thất nghiệp nhưng đây vẫn sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới hồ sơ vĩnh trú của bạn.

Chuyển việc ngay trước khi hoặc khi đang nộp hồ sơ xin vĩnh trú sẽ không tốt cho hồ sơ của bạn. 
 Yếu tố “có cuộc sống ổn định” rất quan trọng khi xin visa vĩnh trú. Vì vậy tốt nhất là nên đợi khoảng 6 tháng tới 1 năm sau khi chuyển việc rồi mới tiến hành xin visa vĩnh trú thì sẽ tốt hơn.
 Chuyển việc nhiều lần, hoặc
trong thời gian ngắn sẽ dễ khiến bạn bị đánh giá là không có thu nhập ổn định, là một điểm trừ rất lớn khi xin vĩnh trú.

② Chú ý phải thanh toán đầy đủ các loại thuế, bảo hiểm trong thời gian thất nghiệp (Thuế cư trú, Bảo hiểm lương hưu kokumin, bảo hiểm y tế Kokumin,…)
 Đặc biệt nếu bạn nợ hoặc nộp nenkin chậm thì về cơ bản sẽ khó có khả năng xin được vĩnh trú trong vòng 2 năm.

Giấy chứng nhận tư cách lao động

2024年07月17日

Em vừa chuyển việc mà không rõ công việc hiện tại có bị trái ngành không. Không biết sau này có bị tính là lao động bất hợp pháp không nữa…

Nếu cảm thấy lo lắng thì em có thể xin “Giấy chứng nhận tư cách lao động” (就労資格証明書:Shuurou shikaku shoumeisho). Đây là giấy chứng nhận mà Cục Xuất nhập cảnh chứng nhận cho các bạn là công việc hiện tại đúng ngành, phù hợp với visa shu của bạn.

Giấy này không thể đảm bảo là lần gia hạn tới chắc chắn bạn sẽ gia hạn được, vì hồ sơ gia hạn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, tuy nhiên khi có giấy này thì về cơ bản là bạn sẽ ít có khả năng bị đánh trượt hồ sơ gia hạn vì lí do trái ngành.

Visa kỹ sư chuyển việc

2024年07月16日

Hiện tại em đang làm phiên dịch với tư cách là visa shu. Em đang định chuyển việc sang công ty khác. Sau khi chuyển việc em có được tiếp tục làm với tư cách cũ không? Thẻ ngoại kiều của em còn hạn 3 tháng.

Em vẫn có thể làm việc với visa shu như cũ. Nếu làm công việc đúng ngành thì trong thời gian lưu trú em hoàn toàn có thể chuyển việc mà không cần sự đồng ý trước của Cục.

Tuy nhiên, trong vòng 14 ngày kể từ khi chuyển sang công việc mới thì em cần phải nộp cho Cục “Bản báo cáo về công ty trực thuộc” (Tiếng Nhật: 所属機関等に関する届出 : Shozoku kikan ni kansuru todokede).
Không chỉ có phía công ty mà phía bản thân em cũng cần làm thủ tục này.
(Em có thể làm thủ tục trên internet).

Ngoài ra, em nên làm thủ tục gia hạn sớm để đảm bảo hồ sơ được chuẩn bị tốt.